Xung quanh việc khu chợ B Buôn Ma Thuột chưa thể đưa vào hoạt động
Nguyên nhân không phải do quản lý Nhà nước gây cản trở hoạt động của chợ
Đồng chí Hoàng Trọng Hải cho biết: Về mặt chỉ đạo, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty sớm hoàn thiện công trình để đưa vào hoạt động kinh doanh thời điểm 30 - 4 - 2014 với mong muốn có công trình chào mừng ngày lịch sử trọng đại của đất nước. Và muốn chợ đi vào hoạt động thì yêu cầu đầu tiên là Công ty phải thống nhất với cơ quan chức năng xây dựng phương án giá quầy sạp, trên cơ sở đó các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, tham mưu để UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án.
“Tuy nhiên, suốt thời gian dài, Công ty đã không đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong khi đó, bản thân Công ty cũng có những việc làm không theo quy định, không theo sự quản lý, sự chỉ đạo, có thể nói là tùy tiện. Đơn cử như việc Công ty nhiều lần tự ý xây dựng phương án giá cho thuê quầy sạp rồi thông báo cho tiểu thương nộp tiền. Điều này đã gây nên bức xúc trong tiểu thương” – Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn. Cụ thể: Công ty không được tự ý xây dựng giá mà phải bảo đảm quy trình, quy định, bảo đảm phát huy dân chủ. Nhưng ngược lại, phía Công ty tự ý đưa ra giá cao nên bà con tiểu thương không chấp nhận, cuối cùng phát sinh ra việc khiếu kiện đến nhiều nơi. Trong số hàng trăm tiểu thương, có những hộ khá giả thì có thể đáp ứng giá Công ty đưa ra, còn những người nghèo thì không thể đáp ứng được. Cuối cùng là tạo nên tình hình phức tạp, khiếu kiện đến các cấp. “Thậm chí Công ty còn không hợp tác với các cơ quan chuyên môn, với chính quyền thành phố Buôn Ma Thuột trong việc xây dựng phương án cho thuê quầy sạp. Đến tháng 7 vừa rồi, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về giá và phí các loại chợ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp làm việc nhưng Công ty vẫn chưa xây dựng xong phương án. Nếu như phía Công ty làm đầy đủ quy trình, thủ tục theo các quy định thì bà con tiểu thương không việc gì phải phản ánh với chính quyền, với các cơ quan chức năng và báo chí. Hoàn toàn không có nguyên nhân do mặt quản lý Nhà nước gây cản trở hoạt động của chợ!”. Chủ tịch Hoàng Trọng Hải khẳng định.
Mặc dù khu chợ B Buôn Ma Thuột chưa được đưa vào kinh doanh nhưng nhiều quầy sạp đã được bày bán khá tấp nập, gây bức xúc trong nhiều tiểu thương. |
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp lời: “Quan điểm của tỉnh là tạo điều kịên hết sức để doanh nghiệp phát triển. Do đó, không lý gì Nhà nước, chính quyền lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng cần phải giải quyết nguyện vọng chính đáng của tiểu thương. Rõ ràng, tiểu thương muốn giá thấp, doanh nghiệp muốn giá cao để thu hồi vốn nhanh. Chính quyền phải đứng giữa để làm trọng tài. Do đó cho nên giải quyết việc này phải hết sức linh hoạt, khách quan để làm sao đạt được kết quả hài hòa, tốt nhất. Trên quan điểm đó, thời gian gần đây, bà con tiểu thương đã yên tâm chờ đợi một kết quả giải quyết thấu tình đạt lý. Nhưng rất tiếc, phía Công ty chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có sự cộng tác với các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương… Nếu như nói vì sao chợ xây xong vẫn không hoạt động, bà con tiểu thương mỏi mòn chờ đợi…, thì đây không phải lỗi của chính quyền”.
Đồng chí Hoàng trọng Hải cũng đặt vấn đề ngược lại các phóng viên: “Với những nội dung như thế thì báo chí đã biết chưa? đã tiếp cận chưa? đã gặp gỡ tiểu thương để nắm thông tin đó chưa? Theo phản ánh trên một số báo, tôi thấy đây chỉ là một số thông tin từ phía Công ty…”.
Liên quan đến việc Công ty khiếu nại Quyết định số 1050 ngày 20-5-2014 của UBND tỉnh, buộc Công ty phải hoàn lại cho ngân sách Nhà nước trên 97 tỷ đồng, đồng thời phải trả tiếp cho các hộ chưa nhận bồi thường thêm gần 14,5 tỷ đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải khẳng định quyết định này được ban hành là dựa trên kết quả của Kiểm toán Nhà nước và kết quả Thanh tra nên hoàn toàn có cơ sở và đúng theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Trong phương án mời gọi đầu tư dự án chợ Buôn Ma Thuột trước đây của TP. Buôn Ma Thuột cũng đã nói rất rõ rằng: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm chi trả tiền đền bù, Nhà nước sẽ giải phóng mặt bằng. Trường hợp chủ đầu tư không chi trả tiền đền bù thì giá cho thuê đất sẽ được tính thêm phần đền bù giải phóng mặt bằng. Việc UBND TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai giải tỏa chợ cũ, giải phóng để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư là điều đương nhiên, bởi chủ đầu tư không thể làm được, và bất cứ tổ chức, cá nhân nào khác cũng không thể làm được. Tuy nhiên, phần chi trả cho giải phóng mặt bằng phải là do chủ đầu tư, tùy theo hình thức.
Đồng chí Hoàng Trọng Hải cũng nhấn mạnh: Trong quy định của việc đầu tư dự án có các Nghị định như: 197, 17, 69, 181 của Chính phủ quy định chung quanh việc giao đất, thuê đất, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa… Trong thời điểm Công ty thực hiện dự án Chợ Buôn Ma Thuột đang chịu sự quy định của Nghị định 197; kết quả kiểm toán của cơ quan Kiểm toán Nhà nước đối với dự án này vẫn còn hiệu lực; Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra dự án vẫn còn hiệu lực. Mặc dù trong quá trình áp dụng có một số điều khoản sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên Nghị định này vẫn còn hiệu lực đến ngày 15-5-2014. Có nghĩa là, kết quả thanh tra, kiểm toán Nhà nước đối với dự án chợ Buôn Ma Thuột đang trong thời gian Nghị định 197 còn hiệu lực. Do đó, việc chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án này phải là chủ đầu tư! Còn nguyên nhân nữa gây bức xúc trong nhiều tiểu thương là mặc dù khu chợ B chưa đưa vào hoạt động, nhưng thực tế hiện đã có nhiều quầy sạp đã được mở cửa kinh doanh. Nguyên nhân vì sao như thế thì chưa có kết luận cụ thể. Để có kết luận cụ thể thì cần có sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra. Thực tế như vậy làm sao mà tiểu thương không bức xúc được. Chính quyền làm sao có thể làm ngơ trước những bức xúc của dân được?
Hoàng Minh
Ý kiến bạn đọc