Những trở ngại trong đẩy mạnh phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng
Thiếu nguồn nhân lực ở cơ sở, kinh phí đầu tư đặc biệt là cho hoạt động truyền thông đến cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế là những nguyên nhân khiến cho công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Khám tầm soát bệnh lao tại Trạm Y tế phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ). |
Tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, hiện nay nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống lao ở tất cả các tuyến tuy đã được củng cố và tăng cường, nhưng mới chỉ đáp ứng được những nhiệm vụ cơ bản, vẫn còn thiếu cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực này. Đặc biệt, nguồn kinh phí hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu hoạt động. Đã vậy, kể từ năm 2014, kinh phí Trung ương dành cho hoạt động phòng, chống lao của tỉnh bị cắt giảm đáng kể, do đó các hoạt động truyền thông, đào tạo tập huấn và giám sát hỗ trợ không được thực hiện thường xuyên đã ảnh hưởng rất lớn tới tính bền vững của chương trình. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cho công tác này còn nhiều khó khăn, hầu hết các địa phương đều chưa có phòng cách ly riêng cho bệnh nhân lao. Trong khi đó, nhận thức của người dân chưa được đầy đủ, tình trạng một số bệnh nhân còn chủ quan, bỏ điều trị giữa chừng, điều trị không đúng phác đồ, đã làm cho bệnh ngày càng trầm trọng hoặc dẫn đến lao kháng thuốc, thất bại trong điều trị. Việc giám sát bệnh nhân điều trị tại tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế, nhân lực mỏng lại phải kiêm nhiệm nhiều nên hiệu quả mang lại chưa cao. Đơn cử như tại Trạm Y tế phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ), mặc dù Trạm đã có cán bộ chuyên trách lao nhưng công tác phát hiện và điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn vẫn chưa đạt được hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường An Lạc cho biết: "Hiện nay Trạm quản lý rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi nhân lực lại có hạn, vì thế công tác tuyên truyền phòng, chống lao phải thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác và lồng ghép trong hoạt động khám chữa bệnh tại trạm. Do vậy, hiệu quả công tác truyền thông và phát hiện lao còn hạn chế. Một khó khăn nữa là công tác này chưa được xã hội hóa cao, chưa có sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, người mắc lao còn chịu nhiều định kiến của xã hội, thời gian điều trị dài nên gây trở ngại cho bệnh nhân. Bác sĩ Hùng cho biết thêm: “Trên địa bàn phường An Lạc hiện có 3 bệnh nhân, trong đó có một trường hợp vì mặc cảm nên giấu bệnh và tự điều trị ở phòng khám tư. Với 2 trường hợp do Trạm quản lý có một trường hợp là lao AFB dương tính (lao có vi trùng) lại bỏ điều trị giữa chừng, chúng tôi phải động viên tư vấn nhiều lần người bệnh mới quay lại điều trị”. Rõ ràng, với một phường nằm giữa trung tâm thị xã còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và điều trị bệnh nhân lao thì với các xã vùng sâu vùng xa, mặt bằng dân trí không đồng đều, tỷ lệ bệnh nhân đông thì hiệu quả hoạt động thấp là điều khó tránh khỏi.
Khám và điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. |
Từ thực tiễn này cho thấy, để hoạt động phòng, chống lao ở cơ sở phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh cho chính mình và mọi người trong cộng đồng. Đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc