Tảo hôn ở vùng sâu - vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát
Ngoài tuổi 30, những trai thanh, gái lịch ngày nào ở thôn Giang Đông (xã Ea Dah, huyện Krông Năng) đã có ít nhất 3 đứa con, thậm chí đã “lên chức” ông bà. Nối tiếp họ là những đứa con, đứa cháu cũng sinh nở khi tuổi đời còn quá trẻ. Tại chốn đại ngàn này, hình ảnh những cô bé 13, 14 tuổi địu con lên rẫy đã không còn xa lạ!
Thôn Giang Đông chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông từ miền núi phía Bắc di cư vào sinh sống. Hiện thôn có trên 150 hộ, 822 khẩu, thì đã có tới 140 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo. Một trong những nguyên nhân khiến đói nghèo đeo bám họ chính là nạn tảo hôn, đông con. Rất nhiều gia đình sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí có nhiều cặp vợ chồng sinh tới 9 – 10 đứa. Đặc biệt báo động là tình trạng tảo hôn ở địa phương hiện chiếm hơn 85%.
Nhà Sùng Chờ Câu (sinh năm 1980) ở gần con đường mòn lởm chởm ổ voi, ổ gà, xung quanh là cánh đồng rộng. Ở tuổi 34, anh Câu đã có 7 người con, đứa lớn Sùng A Sinh 15 tuổi và đứa nhỏ Sùng A Kỳ mới hơn 1 tuổi. Sống chung 15 mùa nương rẫy, nhưng tài sản vợ chồng anh có được chỉ là túp lều tạm bợ, rách nát. Cuộc sống nghèo túng khiến anh Câu trông già hơn chục tuổi, anh tỏ ra mệt mỏi khi nghĩ về tương lai của các con, trong đó khổ tâm nhất vẫn là đứa con thứ Sùng Thị Chi, sinh năm 2010 đang bị bệnh đau ngực, khó thở, phải thường xuyên lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để theo dõi, khám bệnh. Nghèo đói, con lại đau ốm khiến gia đình anh Câu luôn lâm vào cảnh khốn khó…
Những đứa trẻ lấm lem bùn đất, vô tư chới đùa để bố mẹ đi làm rẫy. |
Với suy nghĩ “đông con hơn đông của” nên mới 42 tuổi, ông Sùng A Chư đã có 9 người con và 6 đứa cháu. Tuy vậy, bản tính lười lao động nên ông Chư ít quan tâm đến cuộc sống gia đình. Nhiều hôm, ông đi quanh làng nhậu nhẹt từ sáng đến tối mịt mặc cho vợ và các con nhịn đói. Trong căn nhà chưa thưng che 4 bề, vợ ông Chư nằm góc võng cho đứa con út mới vài tháng tuổi bú sữa, những người con khác ngồi dựa cột nhà, nhìn xa xăm phía con đường… Con đông, nhà lại hạn hẹp kinh tế nên cả 9 đứa con của ông hầu như không được học hành tới nơi tới chốn, thậm chí có đứa chưa một lần biết mùi phấn bảng, mùi thơm của sách vở… Hai đứa con đầu lại tiếp diễn tình trạng tảo hôn, đến nay con gái lớn Sùng Thị Nu (20 tuổi) và anh con trai thứ 2 Sùng A Chóng (sinh năm 1995) đều đã có 3 mặt con. Mỗi lần gia đình ông Chư họp mặt, bà con trong thôn khó lòng phân biệt đâu là con, đâu là cháu!
Cách nhà ông Chư không xa là gia đình anh Vàng Chồng Chua (sinh năm 1989). Anh Chua đã “lên chức” bố được hơn 5 mùa bắp, hiện giờ đang có 4 đứa con nhỏ, gia đình thuộc diện nghèo nhất thôn. Từ ngày cưới vợ, anh Chua già đi trông thấy, cuộc sống thiếu trước hụt sau khiến ông bố trẻ dễ nổi cáu với vợ con… Mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng anh Chua cũng nhậu nhẹt triền miên, nhiều lúc hết rượu, tiền cũng sạch trơn, nhưng vì “nghiện rượu” nên anh Chua bắt vợ ra quán ghi nợ để uống.
Người em gái của anh Chua là Vàng Thị Góng (sinh năm 1993) cũng “nối gót” anh trai, lập gia đình sớm. Ở tuổi 21 nhưng chị đã có 3 mặt con và đang mang bầu đứa thứ tư. Phận “mâm dưới” nên chị Góng cũng như nhiều chị em khác trong thôn chỉ biết còng lưng lên nương rẫy, trồng bắp, trỉa lạc… hiếm khi được giao lưu với bên ngoài, ít người biết tiếng Kinh khiến cuộc sống của họ càng trở nên lạc hậu, tù túng… May mắn hơn anh Chua và chị Góng, người em út Vàng A Bi (sinh năm 1994) được học hành nhiều hơn nên khi làm việc gì cần đến con chữ thì cả nhà, thậm chí nhiều hộ gần quanh đều qua nhờ giúp đỡ. Được học nhiều, nhưng A Bi cũng theo lệ làng mà lập gia đình khi mới 16 tuổi, hiện Bi đã là ông bố trẻ của 3 đứa con nhỏ. Khi được hỏi lập gia đình sớm vậy lấy gì để nuôi con, Bi gượng cười: “Cái duyên, cái số nó đến thì mình đón nhận thôi, biết làm sao tránh được. Hơn nữa đông con hơn đông của, sau này mình già thì có con cái lớn lên, nó sẽ chăm sóc lại mình…”.
Được biết, thôn Giang Đông còn có nhiều đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học cũng đành bỏ dở việc học để lập gia đình, như trường hợp của Giàng Thị Mai (sinh năm 1999), Vàng A Tòng (sinh năm 1999), Vũ Thị Cu (sinh năm 2000)… Phần vì phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số nên tình trạng tảo hôn từ thế hệ này nối liền thế hệ khác, cứ thế dai dẳng kéo dài…
Anh Giàng A Nụ, Trưởng thôn Giang Đông chia sẻ: Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, thậm chí đến từng gia đình vận động người dân thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nhưng thực trạng tảo hôn, đông con vẫn là bài toán thách thức, chưa có lời giải…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc