Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao nhận thức cho người dân vùng biên về dân số - kế hoạch hóa gia đình

10:42, 15/04/2015
Những năm gần đây, nhận thức của người dân xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) về dân số - kế hoạch hóa gia đình ngày càng được nâng lên. Nhờ vậy, trong năm 2014, số hộ sinh con thứ 3 trên địa bàn xã giảm, số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày một tăng, góp phần tạo điều kiện cho người dân chăm lo cho gia đình tốt hơn, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ  dân số  xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc  sức khoẻ sinh sản,  kế hoạch hoá  gia đình cho người dân trên địa bàn.
Cán bộ dân số xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình cho người dân trên địa bàn.

 

Để người dân nâng cao nhận thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Krông Na đã chỉ đạo Ban Dân số - kế hoạch hóa gia đình của xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc và bảo vệ bà mẹ, trẻ em; tuyên truyền, hướng dẫn chị em sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; vận động chị em khám thai, khám phụ khoa định kỳ để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Trong năm 2014, Ban Dân số kế hoạch hóa gia đình xã phối hợp với Trạm y tế xã triển khai chiến dịch “Tăng cường truyền thông vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn”, qua đó đã vận động được 1 trường hợp triệt sản, 38 trường hợp đặt vòng tránh thai, 19 trường hợp tiêm thuốc tránh thai, 20 trường hợp dùng thuốc uống tránh thai, khám và điều trị bệnh phụ khoa cho 80 trường hợp.

Để công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả thiết thực, ngoài việc tổ chức các đợt truyền thông lồng ghép các dịch vụ tại trạm y tế xã, lồng ghép vào các cuộc họp thôn buôn, cán bộ làm công tác dân số xã và đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, buôn còn đến tận nhà người dân phát 1.000 tờ rơi, cấp phát miễn phí 2.000 vỉ thuốc uống tránh thai, 1.500 bao cao su và tuyên truyền, động viên các cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1-2 con để nuôi dạy cho tốt, thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé. Nhờ đẩy mạnh công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, trong năm 2014, trên địa bàn xã Krông Na chỉ còn 13 hộ gia đình sinh con thứ 3, giảm 3 hộ so với năm 2013; vận động được hơn 500 phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; hơn 700 chị khám phụ khoa, gần 600 chị khám thai định kỳ. Điều đáng mừng là ngày càng nhiều bà con có ý thức hơn về việc sinh ít con, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như gia đình chị H’Cộng Niê ở buôn Jang Lành, xã Krông Na. Khi sinh được 2 con, vợ chồng chị quyết không sinh thêm mà tập trung chăm lo cho 2 con ăn học. Hay gia đình chị H’Ly Niê ở buôn Jang Lành cũng chỉ sinh 2 con bởi chị H’Ly luôn ý thức được việc sinh đông con là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, nên dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt.

Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng”, xã Krông Na đã từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về dân số - kế hoạch hóa gia đình. Những kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực của công tác dân số trên địa bàn xã trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc nâng cao nhận thức cho người dân vùng biên về dân số - kế hoạch hóa gia đình vẫn còn không ít khó khăn. Anh Đỗ Văn Tuyến, cán bộ Dân số xã Krông Na cho biết: “Tuy trong năm 2014, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn xã có nhiều biến chuyển theo hướng tích cực nhưng vẫn có một số trở ngại, khó khăn như trình độ của người dân chưa cao, công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn nên vẫn còn không ít người dân chưa nhận thức đúng đắn về việc sinh đẻ có kế hoạch. Vì vậy, trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, trong đó chú trọng giảm thiểu số hộ sinh con thứ ba và vận động các hộ đã sinh đủ con áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại”.  

Thanh Mười


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.