Multimedia Đọc Báo in

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak): Cần đầu tư, nâng cấp để tiếp tục phát huy hiệu quả

09:36, 14/04/2015

Sau một thời gian đưa vào khai thác, vận hành, công trình cấp nước xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) đã xuống cấp khiến nhiều hộ dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là vào mùa khô.

Công trình cấp nước xã Ea Yiêng được đầu tư xây dựng cuối năm 2005, đến đầu năm 2006 hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, trong đó 80% vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, số còn lại do người dân đóng góp bằng công lao động. Công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh quản lý,  cấp nước sinh hoạt cho người dân 4 buôn: Kon Tây, Kon Wang, Kon Hring, Ea Mao.

Do Công trình cấp nước xã Ea Yiêng không còn đủ năng lực cấp nước nên bà Du (buôn Kon Wang) phải quay lại dùng nước giếng.
Do Công trình cấp nước xã Ea Yiêng không còn đủ năng lực cấp nước nên bà Du (buôn Kon Wang) phải quay lại dùng nước giếng.

Khi xã được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bà Du (dân tộc Xê Đăng) ở buôn Kon Wang mừng lắm, đăng ký sử dụng ngay, nhưng chỉ được khoảng 6 năm đầu, nguồn nước cung cấp ổn định, đủ dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Từ năm 2011 đến nay, gia đình bà đành quay lại dùng nước giếng. Bà Du cho hay: “Mình cũng biết dùng nước giếng đào thì nguồn nước không bảo đảm vệ sinh nhưng đành chịu vì gần 5 năm nay, công trình không cung cấp đủ nước cho người dân. Vào mùa khô hạn, hai ngày chỉ cấp nước 1 lần khoảng 30 phút, nước chảy rất yếu nên chỉ hứng được vài chậu thôi”. Tương tự, khi công trình cấp nước của xã đi vào hoạt động, gia đình anh Đôn (dân tộc Xê Đăng) ở buôn Kon Hring đã đăng ký sử dụng. Theo anh Đôn, mấy năm đầu công trình hoạt động khá ổn định, nguồn nước dồi dào, nhưng từ năm 2011 đến nay, vào mùa khô hầu như không có nước để cấp cho dân, nhiều người phải ra suối tắm và hứng nước mạch về nấu ăn.

Anh Nguyễn Văn Vĩnh, quản lý công trình cho biết, do địa hình ở đây hầu hết là đất cát pha, dễ sụt lở nên rất khó đào giếng, tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô. Khi công trình cấp nước tập trung hoàn thành, bà con rất phấn khởi vì đã có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng cho mọi sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, công trình đã bộc lộ nhiều bất cập. Từ 515 hộ dân của 4 buôn trên địa bàn xã sử dụng nước của công trình vào năm 2006, đến đầu năm 2011 còn khoảng 300 hộ và đến nay chỉ còn 200 hộ. Nguyên nhân là do lượng nước ở 2 giếng khoan của công trình đã bắt đầu cạn. Mặc dù từ năm 2010, công trình đã được đầu tư kinh phí khoan giếng sâu thêm 20 m nhưng vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng của người dân, nhiều hộ phải quay lại dùng nước suối, nước giếng hoặc đầu tư khoan giếng. Qua tìm hiểu được biết, do nguồn nước ở 2 giếng khoan của công trình đã cạn kiệt nên nếu bơm nước thường xuyên vừa tốn điện vừa dễ bị cháy máy. Trong khi đó, tình trạng nợ đọng tiền sử dụng nước kéo dài làm cho công trình không còn kinh phí hoạt động, đồng thời, từ tháng 10-2014 đến nay, nhân viên quản lý công trình cũng chưa được Trung tâm trả lương vì không thu được tiền nước. Việc nợ đọng tiền nước kéo dài một phần do đời sống của người dân ở xã vùng III còn nhiều khó khăn, hơn nữa số lượng đồng hồ hư hỏng ngày càng nhiều, đến nay đã lên đến gần 300 cái nên nhân viên quản lý công trình chỉ biết thu tiền nước bằng cách ước lượng bình quân khoảng 1m3/khẩu/tháng. Trước đây gia đình bà Phui ở buôn Kon Tây đóng tiền sử dụng nước khá đều đặn, nhưng từ năm 2014 đến nay đã nợ khoảng 400.000 đồng. “Nước lúc có lúc không nhưng trong đường ống vẫn có hơi nên đồng hồ quay nhanh, số khối nhiều, người dân phải trả nhiều tiền trong khi lượng nước thực dùng ít. Vì vậy, nhiều hộ không đóng tiền nước hoặc nợ lại đến cuối năm được mùa nông sản mới trả nợ”, bà Phui phân trần.

Cán bộ Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh kiểm tra Công trình cấp nước xã Ea Yiêng
Cán bộ Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh kiểm tra Công trình cấp nước xã Ea Yiêng

Theo anh Vĩnh, để công trình tiếp tục phát huy hiệu quả, đơn vị chủ quản cần đầu tư kinh phí thay thế các đồng hồ hỏng, khoan thêm giếng và nâng cấp công trình để nâng cao năng lực cấp nước cho người dân. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh cho biết, hiện đơn vị đã xây dựng xong phương án sửa chữa, nâng cấp Công trình cấp nước xã Ea Yiêng và đã được phê duyệt. Ngay sau khi được phân bổ nguồn vốn, Trung tâm sẽ tiến hành đầu tư nâng cấp công trình, phục vụ sinh hoạt của người dân.

Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân xã vùng III Ea Yiêng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến đời sống bà con. Tuy nhiên cũng rất cần sự hợp tác, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo quản, đóng tiền sử dụng nước đầy đủ cũng như sự quan tâm, đầu tư nâng cấp của các ngành liên quan để công trình có thể duy trì hoạt động, tiếp tục phát huy hiệu quả.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.