Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề đào giếng

16:10, 03/04/2015

Tây Nguyên đang cao điểm mùa khô, nhiều nông dân phải đào, vét giếng để có nguồn nước sinh hoạt,  chống hạn cho cây trồng, nên đây là mùa làm ăn của những người làm nghề đào giếng thuê. Nghề này tuy có thu nhập khá, nhưng rất vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Không biết nghề đào giếng có từ lúc nào, tuy nhiên, từ lâu dân gian đã có câu “nhất thổ, nhì mộc” (thứ nhất là nghề đào giếng, thứ hai là nghề thợ mộc) để nói về sự vất vả, khổ cực của nghề này. Bởi vậy, đòi hỏi những người thợ phải có sức khỏe tốt, dẻo dai và tâm lý vững vàng. Ngày xưa, máy móc chưa có nên các công đoạn đào giếng được thực hiện hoàn toàn bằng tay, ngày nay, những người đào giếng chuyên nghiệp có thêm sự hỗ trợ của một số phương tiện như máy khoan đá, bình ôxi, máy tời… Những năm gần đây, dịch vụ khoan giếng nở rộ, nghề này không còn ăn nên làm ra như trước đây, nhưng vào mùa khô, dịch vụ đào giếng vẫn phát triển đều đặn.

Người thợ đang đào giếng thuê cho một hộ dân trên đường Nguyễn Thiếp, TP. Buôn Ma Thuột.
Người thợ đang đào giếng thuê cho một hộ dân trên đường Nguyễn Thiếp, TP. Buôn Ma Thuột.

Dưới cái nắng gay gắt lúc trời gần trưa, anh Đào Văn Tuấn (thôn 16, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) và 1 thợ bạn đang hì hục đào giếng thuê cho một người dân cùng xã. Đồ nghề của họ vỏn vẹn có một bộ tời bằng tay, thùng xô nhựa, chiếc quạt thông khí, xà beng và xẻng. Anh Tuấn quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, vào lập nghiệp tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, đất canh tác ít, nên anh chủ yếu kiếm sống bằng nghề đào giếng. Từ sáng sớm đến giờ, 2  người thay phiên nhau, người này xuống đào thì người kia ở trên tời đất lên và ngược lại. Tranh thủ phút giải lao, anh Tuấn chia sẻ, nhóm thợ của anh có 4 người, tuy nhiên, do đang mùa cao điểm nên phải chia đôi lực lượng, bình thường để đào xong một cái giếng mất từ 5 - 7 ngày, tùy thuộc đất cứng hay mềm, có lẫn đá hay không. Mỗi mét sâu giá bình quân 800.000 đồng, tuy nhiên vào mùa cao điểm, giá có thể lên đến 1,8 triệu đồng/mét. Bởi vậy những người làm nghề này thu nhập cũng khá, có thời điểm, thu nhập 1 triệu đồng/người/ngày là bình thường. Tuy nhiên, về độ vất vả, cực nhọc và những nguy hiểm luôn rình rập thì chẳng nghề nào bằng nghề đào giếng. Về nguyên tắc, khi đào xuống sâu, thợ đào giếng phải lấy lá cây tươi cột chùm thòng xuống giếng để thông gió hoặc bơm không khí xuống giếng để thở. Theo kinh nghiệm, để kiểm tra dưới giếng có khí độc hay không, người thợ thắp một ngọn nến buộc dây thả xuống đáy, nếu nến sáng bình thường thì người đào giếng có thể xuống được, còn nến tắt thì phải bơm sục khí nhiều lần để tạo sự thông thoáng với oxy của không khí trong lòng giếng. Bên cạnh đó, khi xuống giếng, thợ đào sợ nhất là người quay tời ở trên, nếu sơ suất có thể để đất đá rơi xuống, chỉ một viên đá nhỏ từ trên thành giếng rơi trúng đầu cũng có thể bị thương nặng. Không những thế, cái nghề này cũng mong manh, như lời tâm sự của anh Tuấn: “Cứ mỗi lần đu dây lên xuống giếng sâu, không may bị đứt dây rơi xuống thì chỉ có mất mạng, ít thì cũng tàn phế”.

Trong khi đó, với nhiều năm làm nghề đào giếng thuê, ông Trần Văn Trang, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột đã thấu hiểu rất rõ nỗi cực nhọc, hiểm nguy của nghề. Hôm gặp ông, tưởng chúng tôi tìm người thuê đào giếng, ông xua tay: “Tôi bỏ nghề lâu rồi, làm nghề này cực quá”. Được biết, ông làm nghề đào giếng được khoảng 15 năm và bỏ nghề được vài năm nay, nhưng đến giờ ông vẫn chưa quên những ngày tháng khổ cực với nghề đào giếng. Theo ông, khi ở dưới giếng, người thợ luôn canh cánh nỗi lo bị đất, đá hay cả cái xô rơi trúng đầu. Bởi vậy, người tời đất trên miệng giếng phải hết sức cẩn thận, để tránh các vật thể dù là nhỏ rơi xuống giếng. Chưa kể, khi đào xuống sâu, đất mềm nên rất dễ bị sạt lở, đặc biệt là những giếng nạo vét hoặc giếng cũ đào thêm.

Theo tìm hiểu, ở Dak Lak cũng như các địa phương khác đã có những người đào giếng thuê bị chấn thương sọ não hoặc chết do tai nạn trong quá trình đào giếng. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, họ vẫn bám lấy nghề, để tìm những giọt nước mát cho nhiều gia đình.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.