Vươn lên bằng ý chí và nghị lực
Cơ thể có phần khiếm khuyết, nhưng bằng niềm tin, ý chí, người khuyết tật đã tự vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống dù vẫn còn những khó khăn nhất định.
Cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Đăng Đạo (TP. Buôn Ma Thuột) có 10 lao động thường xuyên thì phân nửa là người khuyết tật do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh giới thiệu vào làm. Nhìn những sản phẩm gỗ dân dụng mỹ nghệ cao cấp, đòi hỏi trình độ tay nghề cao và sự khéo léo, ít ai nghĩ rằng đây là thành quả của những lao động khuyết tật. Hai em Trần Anh Minh và Lê Thanh Minh đều bị khiếm thính gắn bó với công việc này hơn 5 năm, trở thành thợ chính của cơ sở với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. Nhờ có tay nghề điêu luyện nên nhiều xưởng gỗ mỹ nghệ ở tỉnh Gia Lai mời về làm, mỗi tháng trả 15 triệu đồng/tháng nhưng cả hai em không đồng ý. Em Trần Anh Minh chia sẻ: “Em học nghề này từ năm 16 tuổi. Làm việc ở đây rất thoải mái, muốn gắn bó lâu dài, thu nhập ổn định. Hiện em đang dành tiền để cưới vợ”. Còn Lê Thanh Minh thì tâm sự: “Công việc hơi nặng nhọc, bụi bặm, nhưng thu nhập ổn định. Quan trọng là chủ cơ sở hiểu, thông cảm, tạo điều kiện thuận lợi để làm việc, tăng thu nhập, nên không có ý định chuyển sang nơi làm khác”. Hay trường hợp của Y Phôn và Nguyễn Thành Trung (đều bị khiếm thính), mặc dù mới vào làm việc tại một cơ sở mộc ở tổ dân phố 7, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) được hai tuần, công việc khá vất vả, lương thỏa thuận ban đầu chỉ 2 triệu đồng/tháng, nhưng cả hai đều rất vui. Y Phôn cho biết: “Thu nhập không cao nhưng được làm ra bằng chính sức lao động của mình. Vui nhất là có thêm những người bạn không may bị khuyết tật như mình để chia sẻ cảm thông, yêu thương nhau”.
Anh Đạo hướng dẫn lao động khuyết tật hoàn chỉnh sản phẩm gỗ mỹ nghệ. |
Anh Trần Đăng Đạo, chủ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Đăng Đạo cho biết: “Cơ sở luôn rộng cửa đón nhận các em khuyết tật vào làm. Tiền công được trả theo sản phẩm nên các em không bị gò bó về thời gian hay chịu bất cứ áp lực gì. Nếu chịu khó học hỏi, chăm chỉ làm việc, tiền lương của các em sẽ tăng theo tay nghề. Nhận lao động khuyết tật vào làm có những khó khăn nhất định, đặc biệt là ngôn ngữ. Chưa kể, thời gian, công sức đào tạo một lao động khuyết tật quen việc, thành thạo nghề gấp đôi, thậm chí gấp ba so với người bình thường. Nhưng bù lại, các em khuyết tật thường chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi, vì vậy tôi dành tình cảm cho các em nhiều hơn”. Anh Đạo bố trí lao động thành 2 tổ: khuyết tật và bình thường để các tổ thuận tiện giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc. Khi giao việc, anh Đạo ưu tiên cho tổ khuyết tật nhận việc trước, để các em chọn những phần việc nhẹ nhàng hơn, nhưng tiền công thì được trả như nhau. Trong quá trình làm việc, anh Đạo cố gắng học ngôn ngữ của người khuyết tật để hiểu, thông cảm, sẻ chia với họ. Trước đây, không ít lần anh Đạo phải nhờ giáo viên Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh hỗ trợ, giờ đây anh đã có thể hiểu 80% ngôn ngữ của các em. Chị Trần Thị Phương Thu, chủ cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu (TP. Buôn Ma Thuột), nơi luôn có khoảng 4-5 lao động khuyết tật làm việc tâm sự: “Tuyển các em khuyết tật vào làm không chỉ dạy nghề mà còn phải bảo ban các em nhiều kỹ năng khác, nhất là các em ở tuổi dậy thì. Không ít lần cơ sở “khóc dở, mếu dở’ khi đơn hàng gần đến ngày giao nhưng các em mãi lo chuyện riêng tư không tập trung làm việc. Những lúc như vậy, không cách nào khác hơn là phải dành thời gian tâm sự, động viên để các em gắn bó làm việc bởi đào tạo một em khuyết tật thành thạo nghề mất rất nhiều thời gian”.
Nhờ chăm chỉ làm việc, mỗi tháng Trần Anh Minh (khiếm thính) có thu nhập gần 10 triệu đồng. |
Bà Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh cho biết, rất trăn trở về những khó khăn của các cơ sở sản xuất và lao động khuyết tật gặp phải. Giáo viên Trung tâm thường xuyên bám sát những cơ sở giới thiệu học sinh khuyết tật vào làm việc, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết, nhưng không phải trường hợp nào cũng được phản ánh, vì vậy tỷ lệ các em khuyết tật gắn bó với nghề thường không nhiều. Số kiếm được việc làm cũng chỉ là học sinh khuyết tật khiếm thính, trong khi đó trẻ bị các khuyết tật khác đang cần việc làm rất nhiều. Năng lực liên hệ với các cơ sở và nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, đặc điểm của từng học sinh của Trung tâm mang tính nhỏ lẻ, số học sinh khuyết tật và người khuyết tật có được việc làm ít, đây là thiệt thòi của người khuyết tật. |
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc