Đảng bộ xã Ea Tam: Quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Được ví là một “Việt Bắc thu nhỏ” trên Tây Nguyên, chính vì vậy đối với xã Ea Tam (Krông Năng) việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được Đảng bộ xã xem là vấn đề trọng tâm trong phát triển văn hóa xã hội, đoàn kết dân tộc ở địa phương, đồng thời là động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nấu cơm lam trong ngày lễ hội của các dân tộc Tây Bắc đang sinh sống tại huyện Krông Năng. Ảnh: G.N |
Xã Ea Tam có hơn 2.300 hộ dân với trên 10.600 nhân khẩu, toàn xã có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc phía Bắc chiếm khoảng 90%, đông nhất người Tày, chiếm trên 84%, đang sinh sống tại 15 thôn, buôn của xã. Với đặc thù là nơi hội tụ của nhiều dân tộc, những năm đầu khi mới thành lập xã, một số khu vực dân cư đã tự phát tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian Việt Bắc để vui xuân. Đây chính là vấn đề được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và được xem là tiền đề để tiến tới triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng nhận thấy rằng muốn đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, bên cạnh thực hiện nhiều biện pháp, chính sách tổng hợp về kinh tế-xã hội thì việc khơi dậy, đề cao những nét đẹp văn hóa của dân tộc một cách có tổ chức sẽ là giải pháp bền vững để phát huy các giá trị tốt đẹp sẵn có của nhân dân. Cho nên địa phương đã cùng với nhân dân khởi xướng việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa-lễ hội, việc làm này vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, vừa giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Công Hưởng cho biết, những năm xã chưa đứng ra tổ chức lễ hội, cứ đến dịp Tết nhân dân trên địa bàn xã lại tổ chức về quê để tham dự lễ hội, khi thấy nhân dân đi lại vất vả, chi phí lại tốn kém nên Đảng bộ và chính quyền xã đã tổ chức đoàn cán bộ đi ra các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm hiểu cội nguồn văn hóa, lễ hội của đồng bào ở đó, xem cái nào hay, đẹp cần bảo tồn, cái nào không phù hợp thì loại bỏ. Theo đó, từ năm 2000-2001, vào dịp 14-15 tháng giêng âm lịch, xã đều tổ chức lễ hội cốm, bánh chưng bánh dày, ném còn… để nhân dân tham gia vui chơi và đến năm 2006 xã mới tổ chức được Lễ hội Việt Bắc một cách bài bản, thể hiện được đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc phía Bắc. Tại lễ hội, không những nghi lễ như lễ cúng thổ công, lễ xuống đồng (lồng tồng) của đồng bào các dân tộc Việt Bắc được tái hiện mà nhân dân trên địa bàn còn được tham gia thể hiện tài năng ở các phần thi nấu rượu ngô men lá, lợn quay ủ lá mắc mật, thi gói bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, làm cơm lam, gà nướng… Một điều đáng mừng là dù lễ hội của các dân tộc phía Bắc nhưng các dân tộc bản địa cũng tham gia thi tài, điều này đã tạo được sự đoàn kết, gắn bó các dân tộc anh em, trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng Ea Tam. Đặc biệt, từ năm 2009 trở lại đây, lễ hội đã thu hút rất đông du khách đến tham gia, trong đó có rất nhiều đoàn từ các huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn về tham gia. Cũng từ khi tổ chức được lễ hội, nhiều lớp trẻ bắt đầu học hát then, tập đàn tính, hình thành được đội văn nghệ dân gian của xã thường xuyên được huyện mời đi biểu diễn. Ngoài ra, mỗi xã còn hình thành được 1 đội văn nghệ, đội nấu rượu, quay heo, làm bánh… để tham gia vào các dịp lễ hội. Sau nhiều năm tổ chức, Đảng ủy xã nhận thấy những hoạt động này đã gắn bó máu thịt với đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc trong xã, là món ăn tinh thần không thể thiếu và trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chính vì vậy, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết yêu cầu toàn bộ Đảng bộ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân các dân tộc trong xã tích cực tham gia vào các hoạt động của lễ hội. Các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đều được phân công đảm nhiệm các công việc cụ thể để bảo đảm cho các hoạt động của lễ hội diễn ra thành công, đồng thời lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo các hoạt động của lễ hội được xuyên xuốt từ xã đến thôn.
Đời sống văn hóa phát triển đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, trong 5 năm (2010-2015), tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 8-10%, đạt 111% Nghị quyết đề ra; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,95%, số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa đạt 70%; số thôn, buôn văn hóa đạt 73%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được giữ vững.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc