Multimedia Đọc Báo in

Tập trung nguồn lực, quan tâm, chăm lo, nâng cao mức sống cho đối tượng chính sách có công

10:08, 22/07/2015

Đảm bảo chính sách ưu đãi, quan tâm và chăm lo cho gia đình thương binh - liệt sỹ, người có công là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành và toàn xã hội, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2015), phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN QUANG TRƯỜNG, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xung quanh vấn đề này.

1
Giám đốc Sở LĐTBXH Nguyễn Quang Trường

* Qua công tác tham mưu, triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng, tỉnh ta đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn, tham mưu triển khai thực hiện công tác chính sách người có công, Sở LĐTBXH đã bám sát chương trình công tác của Bộ LĐTBXH, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời, đạt kết quả. Trước tiên là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực người có công; tập trung rà soát các loại đối tượng, hồ sơ để giải quyết chế độ chính sách, không để tồn đọng. Đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công, nhất là hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công… Song song với việc hỗ trợ đời sống vật chất, ngành đã chú trọng tham mưu cho lãnh đạo tỉnh quan tâm đến công tác động viên tinh thần đối với người có công như: đưa các đối tượng chính sách, người có công tiêu biểu đi tham quan, nghỉ dưỡng; tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà, động viên các gia đình chính sách có công vào dịp lễ, Tết; chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công; huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân trong công tác này góp phần đẩy mạnh xã hội hóa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nhờ vậy, trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã tiếp nhận 8.159 hồ sơ, qua đó đã xem xét xác nhận và giải quyết chế độ cho 7.348 hồ sơ đối tượng chính sách các loại theo quy định; đã điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp hằng tháng và các chế độ liên quan cho gần 20.000 đối tượng người có công và thân nhân của họ theo Pháp lệnh số 04, 05 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Toàn tỉnh đã huy động quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được hơn 32 tỷ đồng. Từ nguồn huy động được và từ nguồn Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xây tặng 837 căn nhà tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa 609 căn nhà và trao tặng 866 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách có công. Bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương đóng góp, tỉnh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 24 công trình ghi công liệt sỹ với số tiền hơn 20 tỷ đồng... Tổ chức khảo sát, tìm kiếm và quy tập được 111 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh qua các thời kỳ đưa vào an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được duy trì và phát triển góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công. Đến nay, 184/184 đơn vị được công nhận là đơn vị xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ.

1
Lễ truy điệu, lễ viếng và an táng hài cốt liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh

*Đến thời điểm này, đời sống của thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công đã bằng hoặc khá hơn mặt bằng chung so với dân cư nơi cư trú?

Hiện nay chưa có một cuộc điều tra tổng thể nào về tình hình đời sống của đối tượng người có công trên địa bàn của tỉnh. Nhưng với sự điều chỉnh kịp thời về chế độ chính sách đối với người có công của Đảng, Nhà nước theo hướng nâng cao mức trợ cấp ưu đãi của người có công phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, hầu hết mức sống của người có công cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của gia đình người có công trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản đã được cải thiện và có khoảng 95 – 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương nơi cư trú.

Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân đối với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, với ý chí cách mạng, sự vươn lên vượt khó của người có công, tôi tin rằng, trong thời gian tới, đời sống của các gia đình chính sách người có công sẽ từng bước được nâng cao.

* Để tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công, theo ông, trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì?

Việc thực hiện các chế độ, chính sách và chăm sóc các đối tượng chính sách có công là trách nhiệm và tình cảm của các cấp, ngành và toàn xã hội. Do vậy, với chức trách của mình, Sở LĐTBXH sẽ tham mưu, đề xuất, triển khai một số giải pháp chủ yếu: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực người có công đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là các văn bản mới ban hành về chính sách người có công; Tăng cường phối hợp trong việc hướng dẫn, thiết lập hồ sơ để công nhận người có công và giải quyết các chế độ ưu đãi đối với người có công được kịp thời, đúng quy định. Trong đó, tập trung giải quyết các chế độ theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP, Nghị định 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản có liên quan khác; Tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn của tỉnh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách; tổ chức tuyên truyền, vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt kết quả và thực hiện tốt công tác làm nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà ở cho người có công.

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở trong công tác hướng dẫn thiết lập, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ để giải quyết chế độ chính sách; quản lý, chi trả kịp thời, đúng chế độ cho các đối tượng chính sách có công trên địa bàn của tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện bộ thủ tục hành chính về giải quyết chế độ chính sách theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" để triển khai thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp tiêu cực, lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công để trục lợi. Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được trong công tác giải quyết chế độ chính sách để rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời nắm bắt kịp thời những vướng mắc, hạn chế tại địa phương để kiến nghị, đề xuất Trung ương có điều chỉnh, bổ sung văn bản triển khai kịp thời, sát thực tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.