Cứu người bên dòng Sêrêpốk
Đã gần 30 năm nay, anh Lê Văn Hiệu (SN 1965) ở thôn 6, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột vẫn lặng lẽ với công việc giúp đỡ, cứu những người không may bị tai nạn giao thông, đuối nước bên dòng sông Sêrêpốk.
Anh Lê Văn Hiệu hằng ngày vẫn mưu sinh bằng nghề chài lưới trên sông Sêrêpốk. |
Anh Hiệu cho biết, năm 1986 anh đưa vợ con từ Thanh Hóa vào chọn mảnh đất dưới chân cầu Sêrêpốk (cũ) làm nơi sinh sống. Khi cây cầu Sêrêpốk mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, nó bỗng dưng trở thành địa điểm cho nhiều người chán nản cuộc sống tìm đến để nhảy xuống sông quyên sinh. Gia đình sống ở dưới chân cầu, sát mép bờ sông lại làm nghề chài lưới nên mỗi khi có người nhảy sông, hay đuối nước anh không ngần ngại tham gia ứng cứu. Lâu dần, anh xem chuyện cứu người là duyên phận gắn với anh và gia đình. Đến bây giờ anh cũng không nhớ mình từng cứu được bao nhiêu người nữa, chỉ nhớ mang máng hơn chục người, còn ngăn cản những người có ý định tự tử thì nhiều lắm. “Bây giờ chỉ cần nhìn những biểu hiện cũng đoán ra được người có ý định đến cầu tự vẫn, bởi những người này không phải khi đến cầu là nhảy xuống ngay mà thường họ đi qua đi lại trên đó một thời gian rồi mới thực hiện ý định của mình”, anh cho hay. Mỗi lần thấy có người như vậy anh lại âm thầm quan sát, nếu bất ngờ họ nhảy xuống thì lo cứu cho kịp. Cách đây hai tháng, anh đang ở trong nhà thì nghe tiếng ồn ào trên cầu, chạy ra thì thấy một người mẹ đang khóc lóc cố níu đứa con trai không cho nhảy xuống cầu. Anh lao đến ôm chàng thanh niên thì bị anh này dùng cùi chỏ húc liên tục vào lồng ngực đau đến tối sầm mặt mũi nhưng anh vẫn ôm chặt anh ta. Sau một hồi vùng vẫy không thoát khỏi bàn tay anh, cùng với những lời khuyên can từ người mẹ và lời phân giải thiệt hơn của anh, cuối cùng người này cũng nghe ra và từ bỏ ý định tự vẫn, ngoan ngoãn lên xe về với gia đình. Chị Vũ Thị Quý vợ anh tâm sự: “Khổ cho ông ấy lắm! Nhiều khi đang ăn cơm nhưng nghe ồn ào trên cầu hay nghe tiếng động lạ ngoài sông là ông ấy lại buông bát chạy ra kiểm tra. Có hôm không kịp cứu người ta về ông buồn cả tuần, cứ như ông mắc lỗi vậy. Khi có tin ai bị chết đuối ở trên đoạn sông này, không ai nhờ vả gì nhưng ông cũng mang câu chèo thuyền cả ngày lùng sục khắp nơi để tìm xác nạn nhân”. Mỗi lần cứu được ai, anh đưa họ vào nhà nghỉ ngơi, hỏi han, động viên rồi liên lạc với gia đình để đưa họ về. Cũng có những lần anh ra thì nạn nhân đã bị dòng nước nhấn chìm không cứu được, thế là anh lại bỏ cả ngày chèo thuyền dăng câu để tìm kiếm. Ám ảnh lớn nhất với anh vẫn là vụ tai nạn xe khách của nhà xe Quyết Thắng rơi xuống sông vào ngày 17-5-2012 khiến 34 người chết. Đêm hôm đó anh đang ở trong nhà thì nghe một tiếng động kinh hoàng, chạy lên cầu nhìn xuống thì thấy chiếc xe khách đang nằm dưới lòng sông. Anh vội chạy vào nhà hô hoán vợ con dậy lao ra sông cứu người. Hôm đó, có bao nhiêu vật dụng trong nhà có thể phục vụ cho việc cứu hộ anh đều trưng dụng.
Đến nay, đã gần 30 năm gắn bó với công việc cứu người, cũng không ít lần người ta mang tiền đến tạ ơn anh nhưng chưa bao giờ anh nhận tiền của bất kỳ gia đình nạn nhân nào cả. Nếu ai đặt vấn đề trả thù lao cho anh để tìm kiếm nạn nhân trên sông thì anh đều từ chối, bởi anh xem việc mình làm là bình thường, chỉ mong góp phần giúp cho một gia đình hay hoàn cảnh nào đó vơi bớt đi nỗi khổ là anh thấy mình thật hạnh phúc rồi. Anh chia sẻ: “Làm việc này xuất phát từ cái tâm, không cầu mong người khác cảm ơn hậu tạ mình. Cứu được mạng sống cho người ta là mình thấy vui rồi”. Năm 2012, anh Hiệu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong tham gia xây dựng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Bộ Giao thông Vận tải tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải; Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen vì đã tích cực tham giam cứu hộ, cứu nạn vụ tai nạn giao thông cầu Sêrêpốk.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc