Multimedia Đọc Báo in

Người giám đốc trẻ và ước mơ về một nền nông nghiệp hữu cơ

11:03, 25/08/2015

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, không ngại khó nhọc, vất vả, người thanh niên Nguyễn Phước Thiện đã vươn lên trở thành giám đốc một công ty sản xuất, kinh doanh rau sạch tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản.

Xuất ngoại để học... làm vườn

Sinh năm 1988 trong một gia đình làm nông ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông), ngay từ nhỏ, Nguyễn Phước Thiện đã làm quen với công việc chăm sóc vườn tược, nương rẫy của gia đình. Tốt nghiệp THPT, biết được thông tin về Chương trình đưa thực tập sinh đi học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Nhật Bản do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hiệp hội Đào tạo phi lợi nhuận (NPOTIA) Nhật Bản tổ chức, Thiện đăng ký tham gia ngay. Đúng với niềm đam mê từ nhỏ tìm hiểu về ngành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Thiện chăm chỉ học tiếng Nhật, trau dồi kiến thức với quyết tâm sau khi trở về sẽ lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Những ngày đầu sống tại nước bạn, với vốn tiếng Nhật còn khá khiêm tốn, lại thêm khí hậu khác biệt, Thiện gặp không ít khó khăn. Điều gì cũng mới mẻ, lạ lẫm, kể cả việc đồng áng tưởng chừng như rất quen thuộc cũng hầu như phải tìm hiểu lại từ đầu. Từ khâu chọn giống, làm đất cho đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế sản phẩm... Thiện đều vừa làm vừa quan sát, chủ động học hỏi. Điều gì không rõ, chưa hiểu Thiện đều tích cực hỏi những nông dân, bạn bè người Nhật Bản, qua đó rút ra kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho bản thân mình. Bằng sự cần cù, bền bỉ, không ngại khó, dần dần Thiện cũng thích nghi được với cuộc sống mới, quen tay, quen việc hơn, lại càng yêu thích công việc mình đang lựa chọn.

Nguyễn Phước Thiện (bìa trái) lựa chọn các sản phẩm đạt chất lượng để đưa ra thị trường.
Nguyễn Phước Thiện (bìa trái) lựa chọn các sản phẩm đạt chất lượng để đưa ra thị trường.

Năm 2011, sau khi hoàn thành đợt đi thực tập kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Nhật Bản (1 năm), Thiện trở về Đắk Lắk tiếp tục tiếp cận công việc tại Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, Thiện chuyển sang làm việc cho Công ty Nico Nico Yasai hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bắt đầu từ vị trí của một người công nhân trực tiếp sản xuất, với kinh nghiệm có được qua những tháng ngày thực tập tại Nhật Bản và kết quả của quá trình tự nghiên cứu, học tập, Thiện đã vận dụng vốn kiến thức của mình vào sản xuất tại đây rồi dần tạo được lòng tin, sự mến phục của những cộng sự người Nhật. Đến nay Thiện đã mua lại 51% cổ phần và trở thành Giám đốc Công ty TNHH Nico Nico Yasai. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 5.000 m2, chưa kể diện tích hợp tác với các hộ khác (khoảng 3 ha), hiện nay mỗi ngày Công ty TNHH Nico Nico Yasai cung cấp vài trăm ki-lô-gam rau, củ các loại với giá sản phẩm cao gấp 4-5 lần so với giá trên thị trường mà vẫn bị “cháy hàng”.

Mơ ước về một nền nông nghiệp hữu cơ

Đến thăm nông trường của Công ty tại phường Ea Tam mới thấy được sự khác biệt với các vườn rau canh tác theo phương pháp thường gặp. Tất cả quy trình trồng rau ở đây không hề có dấu vết của việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu; vì thế khu vườn không hẳn tươi tắn, xanh mát, mà ngược lại dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những chiếc lá rau bị sâu ăn, đậu cô-ve trái không đều đặn, cà rốt đôi chỗ mọc không đẹp mắt...

Thiện cho biết: “Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học vào sản xuất nên sản lượng rau, củ, quả thu được thấp, năng suất không thể cao như rau có sử dụng hóa chất. Tuy nhiên với chúng tôi thì chất lượng quan trọng hơn số lượng, điều kiện tiên quyết là rau ngon và an toàn đối với người tiêu dùng”. Tuy Thiện không nói nhiều về những khó khăn đã trải qua để có được những sản phẩm đạt chất lượng, năng suất ổn định đưa ra thị trường, nhưng thực tế cho thấy, làm nông nghiệp hữu cơ là một công việc gian nan và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết, sâu bệnh, dịch hại… Thời gian đầu kinh doanh, Công ty hầu như không có lợi nhuận, doanh thu không đủ bù vào chi phí đã bỏ ra. Nhưng tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ, anh vẫn kiên trì gắn bó với ước mơ và lựa chọn của mình. Trong khi bạn bè cùng khóa thực tập tại Nhật Bản nhiều người đã xa rời với công việc liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ; một số người trở về làm rẫy, số khác theo đuổi kinh doanh các lĩnh vực khác... thì Nguyễn Phước Thiện vẫn ngày ngày cần mẫn, dãi nắng dầm mưa làm việc tại nông trường với mong muốn mang những sản phẩm nông nghiệp sạch đến người tiêu dùng. Ngoài việc tự sản xuất, anh còn gặp gỡ liên kết với nông dân từ hướng dẫn kỹ thuật cho đến bao tiêu sản phẩm... nhằm xây dựng hệ thống người làm nông nghiệp hữu cơ đồng thời tạo môi trường cho mọi người gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

“Do giá thành khá cao, nên hiện nay sản phẩm của Công ty chủ yếu cung cấp cho cộng đồng người Nhật tại Việt Nam và các siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tăng sản lượng sản phẩm, giảm giá thành để nhiều người được sử dụng sản phẩm sạch từ nông nghiệp hữu cơ...”, Thiện chia sẻ. Được biết, để thực hiện những ấp ủ này, Thiện đang triển khai kế hoạch xây dựng một trang trại sản xuất tại huyện Krông Bông và tỉnh Kon Tum; đồng thời có dự định mở cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ tại TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian tới.

Lan Anh – Bích Phương


Ý kiến bạn đọc