Multimedia Đọc Báo in

Hệ lụy từ nạn tảo hôn ở các thôn vùng sâu huyện Krông Bông

07:58, 20/09/2015
Huyện Krông Bông có 2.280 hộ, 14.879 khẩu là người Mông di cư ngoài kế hoạch tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm.
 
Mặc dù các địa phương này đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện dân số-kế hoạch hóa gia đình song tình trạng sinh đông, sinh dày, đặc biệt là tảo hôn ở lứa tuổi vị thành niên vẫn diễn ra phổ biến ở các thôn đồng bào Mông, gây nên rất nhiều hệ lụy. Đa số những trường hợp tảo hôn, đông con đều là hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ, thiếu đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định; trẻ em sinh ra thường bị còi cọc, suy dinh dưỡng, thiểu năng trí tuệ, có nguy cơ thất học...

Sùng Mỹ Hòa ở thôn Cư Dhắt (xã Cư Đrăm) lấy vợ khi mới 13 tuổi. Đến khi 20 tuổi, Hòa đã có đến… 6 đứa con. Bố mẹ vẫn phải thường xuyên chu cấp lương thực cho cả gia đình Hòa dù đã ra ở riêng được 8 năm. Còn Sùng Thị Ché ở thôn Ea Luêh (xã Cư Đrăm) lấy chồng lúc 16 tuổi, sau đó 3 đứa con lần lượt ra đời. Do vào định cư sau, lại không có tiền mua đất sản xuất nên chồng Ché phải đi làm thuê để có bữa cơm, bữa cháo. Căn nhà tranh dột nát không có tiền để sửa, mỗi khi mưa xuống mẹ con Ché phải lấy bạt giăng ra để có chỗ trú. Ché tâm sự: “Chồng đi làm thuê, ở nhà thì thường rượu chè say sưa. Mình phải giữ con nên không có thời gian đi làm. Không biết đến bao giờ mới có được ngôi nhà chắc chắn để ở. Con gái lớn đã đến tuổi ra lớp nhưng không có điều kiện đưa cháu đi học”.

Chị Sùng Thị Ché và các con trước căn nhà tranh dột nát.
Chị Sùng Thị Ché và các con trước căn nhà tranh dột nát.

Cư Pui cũng là xã có nhiều đối tượng tảo hôn, nhất là các thôn Ea Uôl, Cư Tê, Ea Rớt. Giàng Thị Dợ (thôn Cư Tê) mới 23 tuổi nhưng đã có 5 đứa con, trong đó 3 đứa bị suy dinh dưỡng (1 đứa bị suy dinh dưỡng độ 3). Căn nhà tranh dựng tạm trên mảnh đất mượn đã dột nát nhưng không có tiền sửa lại. Thức ăn hằng ngày của gia đình Dợ chủ yếu là muối và rau. Dợ hầu như không có thời gian đi làm vì đứa này chưa đầy năm thì đứa khác lại sắp ra đời. Dương Thị Đơ (thôn Ea Rớt) cũng lấy chồng lúc 12 tuổi khi vừa học xong lớp 5. Giờ mới 15 tuổi nhưng Đơ đã có 2 đứa con. Ngoài ngôi nhà mượn đất dựng tạm, tài sản của 2 vợ chồng chẳng có gì. Nhà chỉ có vài sào đất đồi nên hằng năm thiếu ăn 6-7 tháng. Lý Văn Cung (chồng của Đơ) tâm sự: “Vợ hay đau ốm, con thì nhỏ. Nhà ít đất nên không biết làm gì. Thỉnh thoảng mình đi giúp bố mẹ vợ làm rẫy. Lúc không có việc thì chỉ đi bẫy chuột”.

Ai cũng đau lòng khi bước chân vào gia đình vợ chồng Dương Văn Dế và Sính Thị Giàng ở thôn Ea Uôl (xã Cư Pui). Bé Dương Thị Cao Sua sinh năm 2008, là con thứ 3 của vợ chồng Dế bị thiểu năng trí tuệ, suốt ngày bị buộc sợi dây vào chân và cột vào xà nhà. Lấy chồng từ lúc 14 tuổi, đến nay Sính Thị Giàng chưa đầy 30 tuổi nhưng đã có 6 đứa con và đang mang thai đứa thứ 7. Căn nhà được xây dựng theo Chương trình 167 của anh trai nhượng lại cho vợ chồng Giàng đã xuống cấp nhưng không có tiền để sửa nên mọi sinh hoạt lại chuyển xuống căn nhà tranh tạm bợ. Dế cho biết: “Đẻ nhiều sẽ vất vả vì bố mẹ mình cũng có 10 anh chị em. Hoàn cảnh ai cũng khổ. Đông con vất vả sớm tối để lo miếng ăn nhưng vẫn không đủ. Vì không có điều kiện để chạy chữa và chăm sóc bé Sua nên phải cột cháu lại, sợ cháu đi lang thang”…

Ngoài nguyên nhân hạn chế về nhận thức, tập tục lạc hậu của một bộ phận người dân thì tình trạng tảo hôn ở các thôn vùng sâu huyện Krông Bông một phần cũng do sự hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở. Chị Sùng Thị Kiều, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cư Dhăt (xã Cư Đrăm) cho biết: “Việc tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn. Những gia đình đông con ít tham gia sinh hoạt ở thôn. Cán bộ dân số cũng ít khi vào nhà để tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn”. Ông Hùng Xuân Thành, Trưởng thôn Cư Tê (xã Cư Pui) cũng chia sẻ: “Những trường hợp tảo hôn, sinh con nhiều thường rất khó thuyết phục, họ không tham gia các cuộc họp. Cán bộ dân số của xã, của thôn vào vận động, họ không nghe mà có người còn xúc phạm đến những cán bộ tuyên truyền”.

 Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.