Multimedia Đọc Báo in

Hội Người tù yêu nước huyện Krông Pắc: Kiên trung, bất khuất, trọn nghĩa, vẹn tình

09:10, 14/09/2015

Trải qua nhiều gian khổ, hiểm nguy trong chiến tranh, những người tù yêu nước hiện đang sinh sống tại huyện Krông Pắc dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ được hình ảnh chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, trọn nghĩa vẹn tình, thủy chung, son sắt với nước, với dân.

Ký ức một thời

Chiến tranh và quá khứ đau thương đã lùi xa, những cựu tù năm xưa nay mỗi người một cuộc sống, hoàn cảnh khác nhau, nhưng với họ những ký ức về quãng thời gian bị địch bắt tù đày với nhiều thủ đoạn tra tấn dã man có lẽ chẳng bao giờ phai nhạt. Đó là cựu tù Bùi Xuân Ngọc (hiện ở thôn 3, xã Tân Tiến) phải chịu cảnh tù đày hơn 6 năm trời tại nhà tù Phú Quốc - Địa ngục trần gian. Trải qua những năm tháng đó, giờ đây ông vẫn không thể nào quên những trận đòn roi, bị nhốt vào chuồng cọp bằng dây thép gai hay bị đốt lửa dưới bụng… mà bọn địch dùng để tra tấn ông và đồng đội, để  rồi bây giờ di chứng là những lúc nhớ, lúc quên; là lãng tai mà mỗi lúc trò chuyện phải nói thật to như hét thì ông mới có thể nghe được. Hay như với ông Lê Anh Tuấn (thị trấn Phước An), năm 1967, trong một lần tham gia chiến đấu, ông bị thương và được đưa ra miền Bắc chữa trị vết thương và học tập, thế nhưng ông đã tình nguyện ở lại chiến trường Tây Nguyên, đến năm 1971 thì bị địch phục kích và bắt giam giữ ở nhà tù Phú Quốc. Những trận đòn roi tra tấn ngày ấy đã lùi xa hàng chục năm nhưng mỗi khi trái gió trở trời vết thương cũ lại hành hạ ông. Ông Tuấn tâm sự: “Chế độ nhà tù hà khắc vẫn không làm nhụt chí tinh thần yêu nước của chiến sĩ cộng sản. Dẫu bị đánh đập, tra tấn nhưng chúng tôi vẫn tìm cách liên lạc, tập hợp lại với nhau để xây dựng tổ chức, đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Có trải qua gian lao, nguy hiểm, cận kề cái chết mới thấu hiểu hết tội ác của giặc và sức chịu đựng, ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng”. Ý chí đó kết tinh từ sự căm thù quân xâm lược, tinh thần tự hào dân tộc, kế thừa truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông. Được biết, bố ông Tuấn cũng là một cựu tù Côn Đảo và đã bị kẻ thù kết án tử hình trong một cuộc vượt ngục không thành vào năm 1952…

Ông Bùi Xuân Ngọc  ôn lại  ký ức  về quãng thời gian bị giam giữ ở  nhà tù  Phú Quốc.
Ông Bùi Xuân Ngọc ôn lại ký ức về quãng thời gian bị giam giữ ở nhà tù Phú Quốc.

Với vợ chồng cựu tù Võ Thị Năm và Vương Tùng (thôn 4, xã Tân Tiến), có lẽ khó mà kể hết những gian lao đã trải qua trong ngục tù. Bị giam ở nhà tù Phú Tài (Bình Định) hơn 1 năm, bà Năm đã kiên cường đấu tranh không chịu khuất phục trước đòn roi tra tấn. Những hình thức tra tấn mà bọn cai ngục dùng để làm tê liệt tinh thần, ý chí đấu tranh của các nữ chiến sĩ cách mạng như: trói chặt tay chân rồi đổ nước ớt, xà phòng vào mũi miệng sau đó dậm chân lên ngực, bụng để nước và máu trào ra đến khi ngất xỉu; hay cho đất cát, phân vào miệng; nhốt tù nhân vào chuồng cọp và phơi ra dưới trời nắng gắt… Song tất cả những hành động đó chỉ làm họ thêm nuôi ý chí căm thù giặc, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Ông Vương cũng bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo hơn 5 năm, giờ đây mỗi khi ngồi lại, ông bà thường kể cho con cháu, thế hệ trẻ nghe để nhân lên lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.

Nghĩa tình đồng đội

Trong chiến tranh, từng vào sinh ra tử, các cựu tù yêu nước không vì gian khổ, hiểm nguy mà đầu hàng kẻ địch; trong thời bình cũng vậy, dẫu khó khăn, vất vả thế nào đi nữa vẫn vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những năm qua, Hội Người tù yêu nước huyện Krông Pắc luôn phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó thủy chung, thương yêu giúp đỡ, sẻ chia khó khăn với đồng đội để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Với cựu tù Lý Văn Thưởng (xã Ea K’ly), trở về đời thường sau chiến tranh, cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình ông. Căn nhà cũ xiêu vẹo mãi không có điều kiện để xây dựng hay sửa chữa đến khi Hội Người tù yêu nước huyện vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 42 triệu đồng để xây mới, ông Thưởng có căn nhà kiên cố, vững chãi. Nhiều hội viên Hội Người tù yêu nước khác cũng được hỗ trợ xây dựng nhà ở như hộ ông Mai Ngọc Lâm (hiện ở xã Ea Uy), Phan Á (xã Ea K’ly)… Đây chính là việc làm thể hiện sự sẻ chia, quan tâm của xã hội đối với những người có công với cách mạng với đất nước.

Bên cạnh việc giúp xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhiều hội viên khác còn được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình như bà Nguyễn Thị Vân (xã Tân Tiến) vay 5 triệu đồng từ nguồn quỹ Hội để chăn nuôi; bà Trần Thị Dung (xã Tân Tiến) vay 5 triệu đồng để đầu tư chăm sóc vườn cà phê. Hay Hội Người tù yêu nước thị trấn Phước An với các hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế từ hỗ trợ vốn vay, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi; động viên, thăm hỏi những lúc ốm đau, hoạn nạn. Nhờ đó, toàn thị trấn hiện không còn hội viên nghèo, hội viên ở nhà tạm.

Chủ tịch Hội Người tù yêu nước huyện Krông Pắc – Từ Thanh Bông cho biết: Huyện Hội hiện có trên 140 hội viên là cựu tù yêu nước, hầu hết sức khỏe của họ đều bị suy giảm bởi những trận tra tấn trong tù, đời sống còn gặp khó khăn. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, các hội viên đã có nhiều hoạt động tương trợ, giúp đỡ nhau trong đời sống vật chất, tinh thần như đóng góp quỹ hội với tổng số tiền trên 47 triệu đồng hỗ trợ 10 hội viên vay vốn sản xuất,  thăm viếng lúc ốm đau, thăm tặng quà tết cho các hội viên khó khăn; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 7 nhà ở; tổ chức cho các cựu tù thăm lại chiến trường, nhà tù xưa…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc