Multimedia Đọc Báo in

Các cấp Hội Người tù yêu nước tích cực tham gia giải quyết chế độ chính sách cho hội viên

09:07, 14/09/2015
Không chỉ là nơi tập hợp, sinh hoạt, giao lưu của những người từng hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày, Hội Người tù yêu nước các cấp còn góp phần hiệu quả trong việc hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết chế độ, chính sách cho hội viên.

Sau một thời gian khá vất vả tìm giấy tờ xác nhận quá trình hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, từ tháng 7-2014, bà Huỳnh Thị Thanh Thủy (phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) đã được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng với mức hưởng bằng 0,6 lần mức chuẩn. Bà kể: “Khi làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp, trong lý lịch đảng viên tôi khai chưa rõ ràng, tức là chỉ khai mình bị tù đày trong phần lịch sử bản thân, mà lại không đề cập trong phần khai về quá trình hoạt động vì nghĩ là khai nhiều lần sẽ bị trùng lặp. Vì thế nên hồ sơ của tôi không được giải quyết. May nhờ có chú Thanh, Chủ tịch Hội Người tù yêu nước TP. Buôn Ma Thuột, hướng dẫn sao lại hồ sơ Bảo hiểm xã hội, trong đó có xác nhận thời gian bị địch bắt tù đày nên tôi mới được giải quyết chế độ”. Với mức trợ cấp hơn 700.000 đồng mỗi tháng, bà Thủy rất vui và có phần hãnh diện bởi đó là minh chứng cho sự ghi nhận, tri ân những đóng góp, hy sinh của bà cho Tổ quốc.

Ông Đỗ Quốc Thanh, Chủ tịch Hội Người tù yêu nước TP. Buôn Ma Thuột  đến thăm hỏi cựu tù chính trị Huỳnh Thị Thanh Thủy.
Ông Đỗ Quốc Thanh, Chủ tịch Hội Người tù yêu nước TP. Buôn Ma Thuột đến thăm hỏi cựu tù chính trị Huỳnh Thị Thanh Thủy.

Cũng nhờ sự hỗ trợ của Hội Người tù yêu nước TP. Buôn Ma Thuột, bà  Lê Thị Liên (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã được nhận trợ cấp hằng tháng bắt đầu từ tháng 1-2015. Bà Liên vốn là giao liên trong kháng chiến chống Mỹ, bị địch bắt tù đày từ tháng 3-1963 đến tháng 11-1966. Nay bà  Liên đã ngoài 70 tuổi, lại đau bệnh nằm một chỗ, chồng bà phải thay vợ mang hồ sơ đi đăng ký để bà được hưởng trợ cấp cho người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày theo Nghị định 31/NĐ-CP/2013 của Chính phủ. Vì một vài lý do, hồ sơ của bà không được giải quyết, gia đình bà Liên đến gặp đại diện Hội Người tù yêu nước TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dù bà Liên chưa phải là hội viên song Hội Người tù yêu nước thành phố vẫn nhiệt tình giúp đỡ, trực tiếp đi xác minh thông tin cho bà Liên và làm công văn đề nghị Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho bà.

Ông Đỗ Quốc Thanh, Chủ tịch Hội Người tù yêu nước thành phố cho biết, từ khi có Nghị định  31/NĐ-CP/2013 của Chính phủ ngày 9-4-2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, Hội Người tù yêu nước thành phố đã tư vấn, hỗ trợ nhiều trường hợp cựu tù làm hồ sơ để hưởng chế độ. Nhờ vậy, trong thời gian qua, số lượng cựu tù chính trị được hưởng trợ cấp hằng tháng tăng lên nhiều. Hiện nay, Hội Người tù yêu nước thành phố có 170 hội viên, trong đó đã có 143 người được hưởng trợ cấp theo Nghị định 31/NĐ-CP. Đối với 27 trường hợp chưa được hưởng chế độ do thất lạc giấy tờ nên chưa chứng minh được quá trình bị địch bắt, tù đày, Hội Người tù yêu nước thành phố cũng đã có công văn đề nghị Tổng cục Cảnh sát (cơ quan phía Nam) của Bộ Công an lục lại tàng thư của ngụy để tra cứu, xác minh.

Từ tháng 7-2014 đến nay, tại huyện Cư M’gar đã có 18 trường hợp cựu tù chính trị được giải quyết chế độ để nhận trợ cấp hằng tháng. Kết quả đó có sự góp sức rất lớn của Hội Người tù yêu nước huyện. Không chỉ hướng dẫn hội viên làm hồ sơ, đại diện Hội Người tù yêu nước huyện còn mang những hồ sơ của các hội viên có đủ điều kiện sang Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện hỗ trợ xem xét còn thiếu đủ giấy tờ gì; sau đó đưa lại cho hội viên để họ nộp hồ sơ vào bộ phận một cửa tại các xã, thị trấn. Bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch Hội Người tù yêu nước huyện Cư M’gar cho biết: “Hội cũng đã đề nghị Tổng cục Cảnh sát (cơ quan phía Nam) tra cứu thông tin đối với 50 trường hợp chưa đủ điều kiện. Thậm chí, Hội còn trực tiếp gọi điện đến Ban Quản lý các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc để nhờ xác minh thông tin cho hội viên. Bằng mọi cách trong khả năng có thể thực hiện được, Huyện hội cố gắng can thiệp, hỗ trợ với mong muốn anh em hội viên sớm được hưởng chế độ bởi nhiều người nay đã tuổi cao, sức yếu”.

Theo thống kê của Hội Người tù yêu nước tỉnh, trong 5 năm qua (2010-2015), các cấp Hội Người tù yêu nước trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, chính sách cho những người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Các cấp Hội đã hướng dẫn hội viên lập hồ sơ; cung cấp danh sách đề nghị các cơ quan chức năng tặng Kỷ niệm chương cho 889 người, giải quyết cho 150 người được hưởng chế độ như thương binh, 700 người được hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị định 31/NĐ-CP và 147 người hưởng chế độ hưu trí, mất sức. Ngoài ra, cứ hai năm 1 lần, các hội viên Hội Người tù yêu nước đều được đi điều dưỡng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, Chủ tịch Hội Người tù yêu nước tỉnh, chia sẻ: “Mặc dù các cấp Hội đã nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng nhằm giải quyết chế độ đãi ngộ cho các anh chị em là cựu tù chính trị của tỉnh song đến nay vẫn còn 221 trường hợp chưa được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng và nhiều người chưa được xét tặng kỷ niệm chương. Hồ sơ của anh em chưa đủ điều kiện do nhiều nguyên nhân như: thất lạc hồ sơ, người giao nhiệm vụ không còn sống, việc xác minh, thẩm tra thông tin gặp nhiều khó khăn… Hội đã lập phiếu tra cứu gửi Tổng cục Cảnh sát (cơ quan phía Nam) đề nghị xác minh 175 hồ sơ nhưng vẫn chưa nhận được kết quả trả lời. Hội rất mong muốn cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xác minh, tra cứu hồ sơ để sớm giải quyết chế độ cho các cựu tù”.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.