Người chuyên xây mộ cho hài nhi xấu số
Tại nghĩa trang phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột), gần 20 năm nay có một người đàn bà vẫn lặng lẽ gom nhặt những hài nhi xấu số bị bố mẹ chúng vứt bỏ đem đi chôn cất, lập mộ phần chu đáo.
Bà Phạm Thị Mười (SN 1964, trú ở số 108, đường Trần Quý Cáp, TP. Buôn Ma Thuột) dẫn chúng tôi đi vào nghĩa trang nơi bà đã tự tay chôn cất và lập mộ phần cho gần 300 hài nhi xấu số. Nằm giữa những lối vào hai bên các ngôi mộ hoành tráng có thân nhân là hàng dãy dài những ngôi mộ nhỏ nhắn, có ngôi được xây và ốp gạch, cũng có ngôi được đắp bằng xi măng nằm san sát nhau, đây chính là “nghĩa trang” thu nhỏ của những hài nhi bị vứt bỏ mà bà đã đưa về chôn cất trong những năm qua. Nghĩa trang phường Tân Lập nằm ở khu vực vắng vẻ, xa khu dân cư ít người qua lại nên những người phá thai thường tìm đến đây để vứt lại những đứa con của mình.
Bà Phạm Thị Mười đang thắp nhang cho những mộ phần hài nhi xấu số. |
Bà còn nhớ như in vào một buổi sáng năm 1996, như thường lệ, bà đến nghĩa trang để làm việc. Đang đi bộ dọc nghĩa trang thì chân vướng phải một chiếc bao bóng đen bên trong không rõ đựng cái gì. Bà bước chân đi, được một đoạn thì tự nhiên trong lòng thấy nghi có điều gì bất ổn phía trong chiếc bao nên quay lại mở chiếc bao bóng ra và thất thần khi thấy bên trong là một hài nhi bé bỏng đã chết. Ngồi lặng bên xác chết hồi lâu, bà chỉ biết khóc thương cho hình hài bé bỏng nằm bất động bên trong. Trấn tĩnh lại, bà quyết định tìm một vị trí đất trống trong nghĩa trang, rồi mua tiểu sành cùng hương hoa về khâm liệm an táng cho cháu bé. Cũng kể từ đó, bà thường xuyên bắt gặp những hài nhi xấu số bị ruồng bỏ vất vơ tại nghĩa trang khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời, bà lại đưa về chôn cất tử tế. Hằng năm, vào những ngày mùng 1 hay rằm bà đều mua trái cây, vàng mã về thắp hương cho các cháu. Bà không giấu được nỗi buồn mà mấy chục năm nay phải thường xuyên phải chứng kiến: “Sao người ta lại có thể tàn nhẫn vứt bỏ đi giọt máu của chính mình, đã vậy còn không chôn cất tử tế cho chúng mà vứt lại ở bụi bờ. Tội nghiệp các cháu lắm!”. Những ngồi mộ dần dần trở nên dày đặc hơn, ở trên mỗi ngô mộ đều được bà ghi lại ngày tháng chôn cất. Bà lý giải: “Ghi vậy để lỡ sau này có cha mẹ nào nhớ đến con, muốn tìm lại thì còn biết mà chỉ cho họ, chứ chôn cất cho nhiều cháu quá giờ nhớ không xuể”. Mong mỏi là thế, nhưng đến nay trong số hàng trăm ngôi mộ hài nhi vô danh ở đây, duy nhất chỉ có một ngôi là có mẹ đến nhận. Khi bà dẫn người mẹ đó đến bên mộ phần của con mình, người mẹ đã không cầm được nước mắt khi thấy ngôi mộ của con được bà xây cất tử tế. Người này kể với bà rằng: Do thời còn con gái ngây ngô không giữ được mình nên đã có bầu ngoài ý muốn. Không đủ dũng cảm để sinh con nên đã đi phá thai, giờ đã có chồng nhưng mặc cảm về tội lỗi vẫn cứ ám ảnh không nguôi nên chị đến tìm lại mộ của con. Bà chỉ nói nhẹ với người mẹ: Dù sao thì cũng lỡ rồi, thỉnh thoảng cô đến nhang khói cho cháu nó đỡ tủi!
Riêng về phần bà, cuộc đời của người phụ nữ này cũng đầy rẫy gian truân. Năm 1986, bà từ Quảng Nam lên Đắk Lắk lấy chồng, lập nghiệp. Do không có vốn liếng cũng không có đất sản xuất nên cuộc sống của gia đình bà hết sức vất vả. Bà tìm đến nghĩa trang này làm phụ hồ cho cánh thợ xây mộ, sau đó nhận lau mộ thuê cho thân nhân những người chôn cất ở đây. Với 30 ngôi mộ, mỗi tháng như vậy bà được trả công hơn 1 triệu đồng, cộng với quán tạp hóa nhỏ bán hàng cho những người đến thăm mộ, ngày may mắn kiếm được thêm 50-70 ngàn, ngày vắng khách thì không bán được món hàng nào. Năm 2004, vợ chồng bà chia tay, một mình bà vất vả nuôi 4 con ăn học. Tôi thắc mắc, sao có tiền xây mộ cho các cháu, bà cười bảo: “Khi có, khi không. Khi không có thì đi vay, mà cũng phải nói dối với người vay rằng đi mua hàng về bán, chứ nếu nói thật thì họ không cho, còn bị chửi là cơm không có ăn mà lo chuyện bao đồng. Ai nói gì mặc kệ, khổ mấy tôi vẫn cố gắng để lo những sinh linh bé bỏng “ngôi nhà” để các cháu đỡ tủi thân…”.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc