Multimedia Đọc Báo in

Sắt son nghĩa tình người tù yêu nước

09:09, 14/09/2015

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Người tù yêu nước tỉnh Đắk Lắk đã khẳng định vai trò của Hội trong hệ thống chính trị, cũng như trong đời sống xã hội.

Với phương châm “Sống trong tù kiên trung bất khuất, sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”, đội ngũ cán bộ Hội Người tù yêu nước các cấp trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, đoàn kết nhằm củng cố, xây dựng tổ chức Hội trở thành “Mái nhà chung” của hội viên. Đến nay, 9/15 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Hội Người tù yêu nước. Toàn tỉnh hiện có 932 hội viên, sinh hoạt ở 49 cơ sở hội, cụ thể: tù giam ở Côn Đảo 69 người, Phú Quốc 166 người, nữ tù binh Phú Tài 20 người, Nhà đày Buôn Ma Thuột 143 người, các nhà giam khác 534 người. Hiện nay ngoài sinh hoạt định kỳ, Hội Người tù yêu nước còn thường xuyên tổ chức gặp mặt, tọa đàm nhân các ngày lễ qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, vun đắp, thắt chặt nghĩa tình đồng chí, đồng đội. Hội Người tù yêu nước đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là Đoàn thanh niên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề dành cho học sinh, sinh viên, qua đó giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng; kể chuyện về những tấm gương chiến sĩ cách mạng bị tù đày, tra tấn nhục hình nhưng vẫn bất khuất, nêu cao khí tiết... Đặc biệt, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng xác minh, hoàn tất thủ tục tặng Kỷ niệm chương cho 889 hội viên, 150 trường hợp được hưởng chính sách như thương binh, 700 trường hợp hưởng phụ cấp hằng tháng theo Nghị định 31 của Chính phủ, hưu trí mất sức 147 trường hợp.

Cán bộ Hội Người tù yêu nước huyện Krông Pắc thăm hỏi, động viên gia đình hội viên.  Ảnh: Thúy Hồng
Cán bộ Hội Người tù yêu nước huyện Krông Pắc thăm hỏi, động viên gia đình hội viên. Ảnh: Thúy Hồng

Mặc dù tuổi cao, sức khỏe ngày càng giảm sút nhưng đa số hội viên đều không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự nỗ lực trong phát triển kinh tế, nhờ đó giai đoạn 2010-2015 đã có 25 hội viên thoát nghèo bền vững. Đáng ghi nhận là nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và đã thành công. Phát huy truyền thống đoàn kết, thủy chung trong lao tù, giờ đây các cựu tù yêu nước lại “chia ngọt sẻ bùi” trong cuộc sống đời thường với những việc làm cụ thể, thiết thực như: thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, hoạn nạn... Năm 5 qua, từ Quỹ đồng đội, kinh phí do hội viên đóng góp và ngân sách Nhà nước, Hội Người tù yêu nước các cấp đã xây dựng mới được 33 căn nhà, sửa chữa 7 căn nhà, với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng tặng hội viên khó khăn về nhà ở. Đồng thời tổ chức 7 đoàn gồm 236 hội viên tham quan thủ đô Hà Nội, thăm lại nơi bị địch giam giữ: Phú Quốc, Côn Đảo…; gặp mặt nữ tù binh toàn quốc. Với sự nỗ lực phấn đấu 5 năm qua đã có 27 tập thể, 66 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội được các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen. Ngoài những nhiệm vụ trọng tâm trên, 5 năm qua Hội Người tù yêu nước tỉnh luôn động viên hội viên giữ mối quan hệ đồng đội, gắn bó mật thiết với các đơn vị bạn trên mọi miền Tổ quốc, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giao lưu. Bên cạnh đó, các hội viên cùng con cháu thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước như phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Phòng chống tội phạm”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Mặc dù các cấp Hội đã nỗ lực phối hợp cùng các ngành chức năng, giải quyết chế độ đãi ngộ cho hội viên, nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn còn 221 trường hợp chưa được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, nhiều trường hợp chưa được xét tặng Kỷ niệm chương, nguyên nhân là do thất lạc hồ sơ, hoặc người giao nhiệm vụ không còn sống, việc xác minh, thẩm tra gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh vẫn còn 22 hộ cựu tù thuộc diện nghèo, 18 hộ cận nghèo, 28 hộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Người tù yêu nước tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TBXH, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh tiếp tục rà soát, xác minh nhằm giải quyết các chế độ chính sách có liên quan đến người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thị Ngọc Lý

(Chủ tịch Hội Người tù yêu nước tỉnh Đắk Lắk)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.