Trên vùng đất anh hùng
Có lẽ ít có vùng đất nào trên cao nguyên Đắk Lắk này lại trải qua những khúc quanh lịch sử bi hùng như Đắk Phơi (huyện Lắk). Đất và người ở đây thăng trầm theo lịch sử để rồi sau ngày đất nước thống nhất (1975), người dân lại trở về sum vầy, tụ hội, cùng nhau chung tay xây dựng một quê hương mới ấm no và hạnh phúc hơn.
Hành trình Đắk Phơi
Để có cái tên xã Đắk Phơi như bây giờ, vùng đất nằm dựa lưng vào dãy Cư Yang Sin hùng vĩ ấy đã từng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau. Già Ama Phương (gần 80 tuổi, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi vào những năm 80) nói rằng: “Thời thuộc Pháp, nó được gọi là Tông Brung, Tông Drang. Trong kháng chiến chống Mỹ thì gọi là Lak Yo Bliêng… Những cái tên ấy là tên của các nhân vật anh hùng trong sử thi (Ốt N’rông) của người M’nông. Dân cách mạng vùng căn cứ H10 năm xưa gọi vùng đất này là xã 1 và xã 2 là Krông Nô ngày nay”.
Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm được đầu tư xây dựng năm 2013 tại buôn Chiêng Cao - xã Đắk Phơi. |
Trong ký ức của già Ama Phương cũng như nhiều cựu chiến binh đã từng sống và chiến đấu ở đây, dù dưới bất kỳ tên gọi nào thì Đắk Phơi luôn hiện lên niềm tự hào về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà cộng đồng người M’nông là một phần không thể tách rời. Nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1966-1975, cái tên xã 1 vùng căn cứ ấy đã làm nên những chiến công vang dội, khiến kẻ thù phải chùn bước, khiếp sợ. Lịch sử Đảng bộ huyện Lắk còn ghi rõ: Trong giai đoạn trên, quân và dân vùng căn cứ cách mạng (xã 1 và 2) đã đẩy lùi hàng chục trận càn, oanh tạc của kẻ thù. Hàng trăm lính Mỹ-ngụy và một máy bay ném bom đã bị bắn hạ khi chúng thực hiện âm mưu bình định các vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng H9 (huyện Krông Bông) và H10 (huyện Lắk) bây giờ. Những vùng căn cứ cách mạng trọng yếu ấy ở Tây Nguyên luôn được giữ vững, phát triển và mở rộng trên toàn chiến trường thời chống Mỹ cũng nhờ sự đóng góp lớn lao của nhân dân các dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ đó từng bước đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đi tới thắng lợi cuối cùng.
Sau năm 1975, hai xã thuộc vùng căn cứ cách mạng trên sáp nhập lại và chính thức được đặt tên là xã Đắk Phơi - huyện Lắk, bắt đầu hành trình đi tới ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt là khi Nhà nước phong tặng cho quân và dân xã Đắk Phơi danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 1977 thì vùng đất giàu truyền thống cách mạng này như được tiếp thêm sức mạnh để vươn lên…
Nghĩa tình với vùng đất anh hùng
Sự hy sinh, đóng góp to lớn của người dân nơi đây trong công cuộc kháng chiến cứu nước giờ được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi - Y Krang Jre khẳng định: nhờ đó mà cuộc sống của bà con được ổn định, phát triển từng ngày. Trước hết phải kể đến là hệ thống điện – đường – trường - trạm. Đến nay, 11/11 buôn trong xã đã có điện thắp sáng; đường giao thông từ trung tâm xã vào các buôn từng bước được cứng hóa; 1 trường THCS, 2 trường Tiểu học và 1 trường mẫu giáo, 1 trạm y tế đã được xây dựng khang trang, đủ điều kiện phục vụ nhu cầu đi lại, khám chữa bệnh và việc học hành cho con em người dân trong vùng.
Hơn thế, Chủ tịch xã Y Krang Jre còn cho biết: từ năm 2005, ngoài việc xây dựng các Nhà văn hóa cộng đồng thôn, buôn cùng với thiết chế văn hóa khá hoàn thiện để tạo điều kiện cho bà con hội họp, sinh hoạt… thì con đường nối từ Quốc lộ 27 vào trung tâm xã Đắk Phơi dài gần 8 km đã được Nhà nước đầu tư mở rộng và nhựa hóa với kinh phí gần 80 tỷ đồng. Con đường này trở thành huyết mạch quan trọng kết nối với các vùng lân cận như Đắk Nuê, Liên Sơn, Bông Krang, Krông Nô… để mở rộng giao thương và phát triển kinh tế. Với lợi thế về đất đai, khoảng hơn 14.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có tới 2/3 diện tích có đủ điều kiện để trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu… xã Đắk Phơi hoàn toàn có khả năng trở thành vùng chuyên canh sản xuất ra các mặt hàng có giá trị kinh tế cao nói trên với sản lượng đáng kể. Tiếc là nguồn lực trong dân chưa đủ mạnh để biến điều đó thành hiện thực. Toàn xã mới chỉ trồng được hơn 450 ha cà phê, còn cao su, hồ tiêu thì tự phát và nhỏ lẻ không đáng kể. Nếu được các doanh nghiệp tham gia, đóng vai trò “bà đỡ” cùng đồng hành với người dân thì tiềm năng, lợi thế đất đai kia sẽ được khai thác một cách hiệu quả, từ đó mới tạo ra cơ hội cho cả vùng.
Ông Y Krang Jre tâm sự: được sự quan tâm, đầu tư đầy nghĩa tình như thế mà vẫn còn gần 400 hộ nghèo trên tổng số hơn 1.300 hộ dân toàn xã thì áy náy vô cùng. Đã có nhiều nghị quyết chuyên đề về xóa đói, giảm nghèo, phát triển sinh kế cho người dân được HĐND xã đề ra qua các nhiệm kỳ nhằm đưa Đắk Phơi bứt ra khỏi tốp xã nghèo trong huyện. Tuy nhiên, do tiềm lực trong dân còn hạn chế, nên thành quả đạt được không như mong đợi. Đến nay, ngoài diện tích cà phê nói trên, mỗi năm Đắk Phơi chỉ gieo trồng được 700-800 ha cây lương thực (chủ yếu là lúa, ngô). Những cây trồng khác như điều, hoa quả, đồng cỏ chăn nuôi… mới được đưa vào trồng khoảng vài chục hecta. So với quỹ đất rộng lớn hiện có thì những con số nêu trên còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế có được. Dù vậy, chính quyền và người dân Đắk Phơi vẫn tin vào ngày mai và họ đang tích cực, nỗ lực chăm lo đầu tư cho thế hệ tương lai. Điều đó được thể hiện cụ thể và sinh động trong công tác giáo dục - đào tạo tại địa phương. Chẳng hạn như trong năm học mới 2015-2016, số trẻ 6 tuổi được huy động vào lớp 1 (142 em) đạt 100%; trẻ từ 3-5 tuổi vào mẫu giáo chiếm tỷ lệ trên 98%. Đặc biệt, khối học sinh tiểu học, THCS đã hoàn thành chương trình để tiếp tục theo học ở bậc cao hơn chiếm tỷ lệ khá lớn, hơn 90%. Trong năm 2014 vừa qua, Đắk Phơi được công nhận là xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học.
Sau 40 năm, có được thành quả trên là sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của quân và dân Đắk Phơi. Người dân nơi đây tin rằng, đời mình chưa thật sự giàu có với vốn tài nguyên được thiên nhiên ban tặng, được ông bà gìn giữ trong bao đời qua, nhưng con cháu họ sẽ khá hơn vì được chăm lo, phát triển mọi mặt. Chính thế hệ kế cận ấy sẽ góp sức lực và trí tuệ của mình để biến vùng đất anh hùng này trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội ở huyện Lắk.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc