Multimedia Đọc Báo in

Ea Kuêh gia tăng nạn tảo hôn

14:24, 21/10/2015
Nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) hiện đang có chiều hướng gia tăng so với những năm trước đây, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số, tác động xấu đến công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Mới học xong lớp 7, H’Nguýt Ayun (SN 1999) ở buôn A Jun đã nghỉ học để lấy chồng là Y San Niê (SN 1993), ở cùng buôn. Và chỉ còn hơn 1 tháng nữa vợ chồng H’Nguýt sẽ “lên chức” bố mẹ. H’Nguýt kể: “Em và chồng quen nhau gần 1 năm. Lúc quen nhau thì cả hai bên gia đình đều nói phải đợi đến 18, hoặc 19 tuổi mới được cưới nhưng do chúng em lỡ có bầu nên lấy nhau luôn, gia đình cũng không phản đối nữa”. Cách đây vài tháng, con gái đầu của anh Y Khía cũng ở buôn A Jun là H’Khuyết Niê đã kết hôn với Y Thương Niê (SN 1991) ở huyện Ea H’leo. Điều đáng nói H’Khuyết và chồng có quan hệ họ hàng, là chị em. Hiện H’Khuyết chỉ mới 14 tuổi, cũng là “cô dâu” nhỏ tuổi nhất ở trong buôn. Lấy nhau khi còn quá nhỏ, cặp vợ chồng này thường xảy ra mâu thuẫn với những lý do rất "trẻ con". Có lần vì quá giận chồng, H’Khuyết đã uống thuốc sâu tự tử nhưng may được cứu chữa kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng... Nói về chuyện cho con gái mình lấy chồng sớm, anh Y Khía cho biết: “Y Thương là con chị gái mình. Nó đến làm công cho nhà mình rồi 2 đứa phát sinh tình cảm, biết chuyện thì cũng ngăn cản nhưng 2 đứa nói yêu nhau rồi, cũng không biết nói gì nữa”.

Cán bộ dân số xã Ea Kuêh đến trực tiếp các hộ gia đình để tuyên truyền về chính sách DS - KHHGĐ.
Cán bộ dân số xã Ea Kuêh đến trực tiếp các hộ gia đình để tuyên truyền về chính sách DS - KHHGĐ.

Ea Kuêh là địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Cư M’gar, có địa bàn rộng với 11 thôn, buôn và 6.750 khẩu; trong đó, người dân tộc thiếu số chiếm tỷ lệ cao. Do nhận thức còn hạn chế nên ngoài việc đẻ nhiều, đẻ dày thì tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn ở đây diễn ra khá phổ biến và ngày càng tăng. Theo thống kê của Ban DS - KHHGĐ xã, từ đầu năm 2015 đến nay toàn xã đã ghi nhận 9 trường hợp tảo hôn, trong đó có 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thông. Có những trường hợp còn tổ chức đám cưới rình rang, chủ yếu ở các buôn A Jun, Xê Đăng và buôn Thái… Chị Trần Thị Huấn, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Kuêh cho biết: “Tảo hôn trên địa bàn xã Ea Kuêh xảy ra chủ yếu ở bộ phận người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chính không còn là do bố mẹ bắt buộc mà chủ yếu do các em thanh, thiếu niên tự nguyện tìm hiểu, yêu và lấy nhau, một số trường hợp thì do có thai ngoài ý muốn… Những năm gần đây, trên địa bàn xã đều xảy ra tình trạng tảo hôn nhưng năm nay được xem là “nổi trội” nhất, đặc biệt năm nay còn xuất hiện cả hôn nhân cận huyết thống. Thời gian qua, Ban Dân số - KHHGĐ xã Ea Kuêh đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên những nỗ lực ấy vẫn chưa thể làm giảm tình trạng tảo hôn tại đây”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.