Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc giản dị

07:31, 18/10/2015

Trải qua không ít khó khăn, vượt qua nhiều rào cản và định kiến, những đôi uyên ương mà vợ lành lặn - chồng khiếm thị đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường bằng tình yêu thương chân thành và sự cảm thông, chia sẻ…

Nằm nép mình trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột), tổ ấm của anh Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1977) và chị Nguyễn Thị Oanh (SN 1991) đơn sơ, ngăn nắp và ngập tràn tiếng cười. Khi chúng tôi tới thăm, vợ chồng anh Sơn đang chơi đùa cùng 2 cậu con trai kháu khỉnh. Nở nụ cười hạnh phúc, anh Sơn hồi tưởng lại cuộc đời và mối lương duyên của mình: Sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, lành lặn giống như bao người khác nhưng vào năm 2007, do bị rách võng mạc nên từ dạo ấy anh bắt đầu sống trong bóng tối. Năm 2010, anh Sơn đi học xoa bóp bấm huyệt dành cho người khiếm thị. Ra nghề, anh mở một cơ sở xoa bóp nho nhỏ tại nhà để kiếm sống. Chị Oanh cười chia sẻ: Ngày đôi mắt còn sáng, anh Sơn làm rẫy cà phê ở gần nhà (phường Khánh Xuân) nên hai người quen biết từ lúc đó. Cảm mến chàng trai thật thà, chăm chỉ và hài hước cùng với sự “đồng ý” của người thân hai bên gia đình nên năm 2011, anh và chị đã nên nghĩa vợ chồng. Khi được hỏi có thấy khó khăn, thiệt thòi khi lấy chồng bị khiếm thị hay không, chị Oanh không chút do dự: “Em không hề nghĩ ngợi, tính toán điều gì mà chỉ thấy yêu thương thôi. Chắc là bọn em có duyên từ trước”. Dẫu thu nhập hằng ngày từ cơ sở xoa bóp chưa phải là nhiều nhưng anh và chị đang cùng nhau “vun vén” cho tổ ấm của mình bằng tinh thần lạc quan và luôn hướng đến một tương lai tươi sáng.
Anh Sơn bên gia đình nhỏ của mình.
Anh Sơn bên gia đình nhỏ của mình.

Không được êm xuôi như anh Sơn, chị Oanh, chuyện tình của anh Mai Xuân Long (SN 1985) và chị Nguyễn Thị Bích Trầm (SN 1988) khiến cho mọi người nể phục. Trong căn phòng trọ nhỏ trên đường Chế Lan Viên (phường Tân Lợi TP. Buôn Ma Thuột), anh Long kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện của bản thân mình. Năm lên 10 tuổi, trong một lần đùa giỡn với em trai không may anh bị vỡ nhãn cầu, trở thành người mù mắt, nặng tai. Nhờ bộ chữ nổi Braille ở Trường chuyên biệt Vi Nhân, Long học được hết lớp 11 rồi dò dẫm xuống Khánh Hòa tham gia vào Hội người mù. Ở đây, Long tình cờ quen Bích Trầm - một nữ sinh Trường Cao đẳng sư phạm mầm non Trung ương 2, khi cô đi kiếm việc làm thêm. Càng gần gũi chuyện trò, Trầm càng cảm mến chàng trai khiêm nhường tốt tính. Còn Long không khỏi rung động trước sự đồng cảm và những cử chỉ săn sóc dịu dàng ý nhị của Trầm. Năm 2010, Long về lại Đắk Lắk làm việc tại cơ sở xoa bóp nằm trên đường Phan Chu Trinh. Dẫu cách xa nhau nhưng qua nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn, Trầm quyết định sẽ gắn bó cuộc đời mình với Long. Nhưng điều khó nhất đối với đôi bạn trẻ lúc này là định kiến của gia đình Trầm, bởi bố mẹ không muốn cô phải chịu vất vả, thiệt thòi. Tuy nhiên, tình yêu trong sáng, cao thượng của hai người đã vượt qua tất cả. Sau khi tốt nghiệp, Trầm ngược lên Đắk Lắk xin việc và may mắn được nhận vào Trường Mầm non Họa Mi (TP. Buôn Ma Thuột). Năm 2013, đám cưới giản dị mà đầm ấm của chú rể khiếm thị và cô dâu xinh xắn được tổ chức trong niềm hân hoan của nhiều người. Giờ đây, mỗi buổi sáng Trầm đưa Long đến chỗ làm, tối cô lại tới đón Long về căn nhà trọ ấm áp.

Niềm mong mỏi lớn nhất đối với cặp vợ chồng trẻ này chính là sự đón chờ một “thiên thần nhỏ” sắp sửa chào đời.  Căn phòng rộng khoảng 20 m2 được Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk cho ở nhờ là “tổ ấm” của vợ chồng ông Tăng Ngọc Cẩn (SN 1962) và bà Lê Thị Hồng (SN 1972). Năm lên 10 tuổi, đôi mắt của ông Cẩn bị mờ và dần dần không nhìn thấy gì nữa. Năm 1977, ông Cẩn theo gia đình từ tỉnh Quảng Nam vào huyện Krông Bông sinh sống. Do bị khiếm thị và là con liệt sĩ nên ông được Nhà nước lo ăn học và làm việc tại Hội Người mù tỉnh. Trong khoảng thời gian sinh sống và làm việc tại đây, ông tình cờ quen với bà Hồng và nên duyên vợ chồng vào năm 2005. Nhẹ nhàng rót một ly nước cho chồng, bà Hồng tâm sự: “Chúng tôi đến với nhau bằng sự thông cảm và yêu thương rất chân thành. Từ ngày đầu gặp nhau cho đến hôm nay, vợ chồng tôi chưa bao giờ to tiếng với nhau nửa lời”. Đón ly nước từ tay vợ, ông Cẩn tiếp lời: “Cuộc sống vợ chồng tôi còn khó khăn lắm. Bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn không có nhà cửa. Do không được ăn học, lại đau yếu bệnh tật liên miên nên bà ấy không có công việc ổn định, ai thuê gì thì làm nấy. Cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của tôi thôi. Nhưng những khó khăn ấy không làm chúng tôi bất đồng với nhau, chúng tôi luôn thương yêu nhau như hồi đầu mới cưới”. Nói rồi ông bà thi nhau kể về cậu con trai đang học lớp 4 với vẻ mặt phấn khởi và niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn…

Nhìn thấy cuộc sống đầm ấm và tràn ngập tình yêu thương của những gia đình mà chồng khiếm thị, vợ lành lặn chúng tôi thấy được hạnh phúc lan tỏa thật ngọt ngào. Nó chẳng cần đến từ những gì to tát mà chỉ cần xuất phát từ những điều chân thành và giản dị…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.