Multimedia Đọc Báo in

Người dân Ea Uy cần lắm một cây cầu

09:48, 26/10/2015

Dù chỉ cách trung tâm xã hơn 5 km, nhưng người dân ở 3 thôn 8, 11 và 14 của xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) đang gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong sản xuất, trao đổi hàng hóa, việc học tập của học sinh cũng bị gián đoạn... do giao thông cách trở. Người dân nơi đây đang mong lắm một cây cầu!

Ông Ngô Giáo, Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho biết, xã có gần 50% là người đồng bào dân tộc thiểu số, trên 37% tỷ lệ hộ nghèo. Với đặc điểm là xã thuần nông, trong khi đó, kết cấu hạ tầng còn yếu kém nên Ea Uy gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Đặc biệt là cuộc sống của gần 400 hộ dân thuộc các thôn 8, 11 và 14 hiện đang bị… “cô lập” bởi con suối Nước Đục (suối Krông Pắc). 

Trước đây, các thôn 8, 11 thuộc xã Vụ Bổn. Năm 2000, hai thôn này được sáp nhập vào xã Ea Uy. Tuy nhiên, do địa hình bị chia cắt bởi con suối Nước Đục khiến việc đi lại của các hộ dân ở 3 thôn gặp nhiều bất tiện. Mùa nắng hạn nước suối cạn trơ sình lầy lội. Còn vào mùa mưa, nước suối dâng cao, việc đi lại thêm bội phần khó khăn. Người dân muốn đến UBND xã để giải quyết các thủ tục hành chính, hoặc tới trạm y tế chăm sóc sức khỏe phải đi qua suối bằng thuyền. Cũng vì giao thông cách trở nên toàn bộ học sinh của 3 thôn này đều theo học tại các trường thuộc xã Vụ Bổn, gây khó khăn cho công tác quản lý giáo dục của địa phương.

Do không  có cầu  người dân  xã Ea Uy phải qua suối bằng thuyền.
Do không có cầu người dân xã Ea Uy phải qua suối bằng thuyền.

Theo chân cán bộ địa chính xã ra bến đò, chúng tôi càng cảm thông hơn với những khó khăn người dân nơi đây đang gặp phải. Con đường đất dài chừng 2 km băng qua nhiều rẫy nương lởm chởm đất đá, nhiều đoạn sình lầy rất khó đi. Cách bến đò khoảng 100 m, người và phương tiện phải dừng lại đi bộ vì đường quá xấu không thể đi tiếp. Anh Nguyễn Văn Nhàn, người đã hơn 7 năm chèo đò đưa khách sang suối tâm sự: Vì không có cầu qua suối nên người dân đi lại gặp nhiều bất tiện và tốn kém. Trung bình mỗi ngày có trên dưới 20 lượt khách sang suối, chi phí mỗi khách phải trả là 5.000 đồng/lượt. Vào mùa mưa, lòng suối sâu cộng với nước chảy xiết rất nguy hiểm. Tuy nhiên, đây là phương tiện duy nhất để có thể đưa người dân vượt suối giải quyết công việc hằng ngày nên mọi người, kể cả anh, đành phải đánh liều. Đã có trường hợp khách qua suối, do bất cẩn nên cả người và phương tiện rơi xuống suối, may mắn không có thiệt hại về người...

Gặp chúng tôi, ông Hà Xuân Cỏn (người dân thôn 8) bức xúc: “Vẫn biết là nguy hiểm nhưng nếu không sang bên kia suối thì chúng tôi không thể làm các thủ tục hành chính. Quãng đường chỉ hơn 5 km nhưng đi mất vài ba tiếng đồng hồ vẫn chưa tới nơi. Nhiều khi phải mất 1 ngày mới hoàn thành công việc, vì khi qua được suối rồi thì UBND xã đã hết giờ làm việc. Người dân lại phải chờ đến buổi chiều... Ngồi trên chiếc đò chòng chành, lại không được trang bị áo phao hay các phương tiện bảo hộ khiến người dân chúng tôi rất bất an. Nhưng vì đây là cách duy nhất để qua được suối nên cũng phải chấp nhận nguy hiểm”. Còn ông Hoàng Văn Khiêm (ở thôn 8) thì than thở: “Cũng bởi giao thông cách trở nên từ chuyện mua bán thiết yếu đến chuyện học hành của bọn trẻ đều bị ảnh hưởng. Khổ nhất là những khi có người đau ốm, sinh nở, cần cấp cứu, hoặc mỗi khi đưa trẻ đi tiêm phòng định kỳ, chúng tôi không biết làm thế nào để rút ngắn thời gian đến được trạm y tế xã. Thương nhất là các cháu nhỏ, do không có trường mầm non học nên xã phải mượn tạm nhà kho cũ hoặc hội trường thôn để làm lớp học, cơ sở vật chất thiếu thốn vô cùng…”.

Cũng bởi không có cầu nên việc vận chuyển nông sản sau khi thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Người dân chỉ biết trông chờ thương lái đến thu mua và ngậm ngùi chịu cảnh bị ép giá. Theo ông Ngô Giáo, tư thương ở các nơi khác đến thu mua nông sản của người dân với giá rất thấp. Đơn cử như giá ngô người dân phải chấp nhận bán từ 2.500 đến 3.500 đồng/kg, trong khi giá thị trường là 4.500 đồng/kg. Dù biết người dân gặp nhiều khó khăn nhưng do kinh phí xây dựng cầu quá lớn nên chính quyền xã cũng… “lực bất tòng tâm”.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc