Diện mạo mới từ những "Đoạn đường tự quản"
Gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đảm nhận nhiều mô hình đoạn đường tự quản, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống.
Có mặt tại “Tuyến đường không rác thải” thôn 14, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) vào những ngày này không còn thấy tình trạng rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Được biết, những năm trước, việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường ở nhiều đoạn đường trên địa bàn xã còn nhiều hạn chế. Đầu năm 2015 Hội Phụ nữ xã Ea Ning triển khai thực hiện “Tuyến đường không rác thải” dài gần 5 km nhằm vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, trên tuyến đường đảm nhận, hội viên, phụ nữ trong xã lại tập trung quét dọn, thu gom rác thải. Chị Hoàng Thị Lộc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Từ khi Hội triển khai mô hình này thì ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác vệ sinh môi trường đã cải thiện rất nhiều so với trước. Việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thu gom rác để đúng nơi quy định không chỉ được hội viên hưởng ứng mà người dân trên địa bàn cũng rất nhiệt tình tham gia”.
Đoạn đường tự quản của Chi hội Phụ nữ thôn Bình Hòa, xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ). |
Cũng là địa phương thu được nhiều kết quả tích cực từ mô hình đoạn đường tự quản, đến nay xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) đã không còn những bãi rác tự phát xuất hiện ở ven đường. Chị Trần Thị Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bình Hòa chia sẻ: “Trước đây, việc giữ gìn vệ sinh môi trường trên nhiều tuyến đường liên xóm, liên thôn còn hạn chế, tình trạng người dân vứt rác thải ra đường thường xuyên diễn ra. Khi mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” được Hội triển khai thì ý thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Ngoài việc tập trung vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhiều hội viên phụ nữ còn xây dựng các bể chứa rác thải tại gia đình nhằm thu gom và phân loại rác từ nguồn để tự tiêu hủy, vì vậy các bãi rác tự phát trước đây đã được dọn dẹp sạch sẽ, môi trường sống trở nên trong lành hơn”. Hằng ngày vẫn chủ động vệ sinh đoạn đường trước nhà, theo như chị Lê Thị Trinh (thôn Bình Hòa) thì cứ 2 tuần 1 lần, chị em phụ nữ trong thôn lại tập trung phát cỏ và thu gom rác trên đoạn đường mà Chi hội đảm nhận tự quản. Ngoài ra, các hội viên cũng tự vận động người thân dọn vệ sinh hằng ngày để góp phần làm trong lành môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình.
Mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” là một trong những nội dung thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội LHPN Việt Nam phát động, được các cấp Hội trên địa bàn tỉnh triển khai và đã thu hút đông đảo hội viên tham gia với nhiều hoạt động thiết thực. Từ khi tổ chức thực hiện “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, các tổ phụ nữ cơ sở luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, có ý thức nhắc nhở tập thể khu dân cư cùng tham gia, không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Bà Nguyễn Thị Lộc, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hằng năm, Hội thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, 5 năm qua, toàn tỉnh có 195.063 hộ đạt tiêu chí “5 không 3 sạch” và danh hiệu gia đình văn hóa. Đây là kết quả đáng tự hào của phụ nữ các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Có thể thấy, việc tổ chức “Đoạn đường phụ nữ tự quản” là cách làm hay và thiết thực. Mô hình này không chỉ giúp mỗi cá nhân nhận thức rõ hơn về ý thức, trách nhiệm của bản thân trong giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ cảnh quan môi trường sống mà còn góp phần tích cực để xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc