Multimedia Đọc Báo in

Khi vai trò chủ thể của người dân được phát huy…

08:39, 27/11/2015
Nhờ thực hiện tốt việc phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, trong những năm qua một huyện còn nhiều khó khăn như Krông Bông đã huy động hiệu quả người dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Là một huyện căn cứ, xuất phát điểm thấp, đời sống của đại bộ phận nông dân còn khó khăn, tuy nhiên trong hai năm 2014 và 2015, người dân huyện Krông Bông đã đóng góp trên 7 tỷ đồng tiền mặt, gần 16.000 ngày công lao động; tự nguyện hiến 18.750 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, phục vụ dân sinh. Người dân còn đóng góp trên 4 tỷ đồng để kéo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. 

Tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn phải kể đến gia đình bà Huỳnh Thị Thông (70 tuổi, trú tại thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền). Sau khi nghe Ban phát triển của thôn họp triển khai xây dựng tuyến đường bê tông nối liền Tỉnh lộ 12  vào thôn, mọi người ai nấy đều phấn khởi, tự nguyện đóng góp tiền và ngày công tương ứng 10% giá trị công trình, tuy nhiên khó khăn nhất là không có kinh phí bồi thường số diện tích đất của gia đình bà Thông mà tuyến đường sẽ đi qua. Trong lúc mọi người trong thôn chưa biết xoay xở ra sao, sau khi về bàn bạc với con cái, bà Thông đã quyết định chặt hạ 35 cây bạch đàn và hiến 1.200 m2 đất không cần bồi thường để làm tuyến đường nói trên. Hoặc gia đình ông Lê Sơn ở thôn 8, xã Khuê Ngọc Điền, mặc dù năm nay 76 tuổi, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có con khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, vậy mà khi chính quyền vận động, gia đình ông vẫn sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông nội vùng.

 Ngay cả ở những nơi vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện, người dân cũng sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng tư vì lợi ích chung của cộng đồng. Điển hình như gia đình ông Ama Ngoăn Hlong, Y Siêng Hlong, Y Tí Mlô ở buôn Khanh (xã Cư Pui), hằng ngày chứng kiến cảnh bà con trong buôn phải lội bộ qua suối để sản xuất, mỗi khi thu hoạch gặp mùa mưa thì việc đi lại, vận chuyển nông sản càng khó khăn hơn, 3 ông đã tự nguyện hiến 2.000 m2 đất sản xuất để làm cầu ngầm qua suối, giúp cho bà con đi lại thuận tiện. Ông Ama Ngoăn Hlong chia sẻ: “Bà con trong buôn chúng tôi chủ yếu sống bằng nông nghiệp, đất đai hầu hết nằm bên kia suối, nhưng do không có đường nên việc đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng, mình hy sinh vài trăm mét đất sản xuất, thu nhập có giảm đi một chút, nhưng về lâu dài người dân không phải lội suối vác từng bao bắp, bao lúa thì việc hiến đất của chúng tôi có ý nghĩa lắm chứ...”. 

Không chỉ hiến đất, nhiều hộ dân cũng sẵn lòng hỗ trợ tiền để xây dựng các cơ sở hạ tầng; như gia đình ông Võ Có trước đây sinh sống tại thôn 3, xã Hòa Phong, nay dù đã chuyển đi nơi khác làm ăn, nhưng khi biết tin thôn làm đường giao thông, ông đã vận động những người thân trong gia đình hỗ trợ 10 triệu đồng để hỗ trợ; hoặc một cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng C2 (A & C) đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho xã Hòa Lễ làm đường giao thông.

Với sự đồng thuận của người dân cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đến nay huyện Krông Bông đã có 1 xã đạt 9/19 tiêu chí, 2 xã đạt 8/19 tiêu chí, 5 xã đạt 7 tiêu chí, 3 xã đạt 6 tiêu chí và 2 xã đạt 5 tiêu chí.

 

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.