Multimedia Đọc Báo in

Rực rỡ sắc hoa đường làng

10:52, 29/11/2015

Nhiều người đến xã Ea Bar – huyện Buôn Đôn đều tỏ ra ấn tượng với những tuyến đường rộng rãi, sạch đẹp, hai bên rực rỡ sắc hoa do người dân tự trồng và chăm sóc.

Phong trào trồng hoa dọc đường bắt đầu từ hộ bà Ngô Thị Quỳnh Liên (thôn 16) từ đầu năm 2015, khi bà trồng đám hoa mười giờ trước ngõ với mục đích… sạch cỏ. Vài tháng sau, vạt hoa bắt đầu khoe sắc mỗi sáng, đẹp như một bức tranh khiến nhiều người thích thú, nên bà quyết định “phủ xanh” toàn bộ lề đường phía trước nhà. Thấy hoa đẹp, đường làng ngõ xóm sạch sẽ hơn, nhiều người cũng bắt đầu tìm hoa về trồng khu vực xung quanh nhà mình. Dần dần, cả thôn 16 có 124 hộ thì hầu như nhà nào cũng có cả một vườn hoa. Những loại được trồng nhiều nhất là hoa mười giờ, sam vì dễ trồng, chăm sóc và nhanh có hoa. Như một thói quen, người dân khi đi đâu gặp loại hoa nào đẹp đều đem về nhà trồng. Bên cạnh đó, để vườn hoa đẹp hơn, họ đưa hoa nhà mình có đem đổi cho nhà khác để có giống hoa mới. Hộ nào cũng cố gắng chăm sóc cho vườn hoa nhà mình thật đẹp, nên trồng hoa trở thành phong trào thi đua của các gia đình. Những người bận rộn với nương rẫy hay việc văn phòng thì tranh thủ lúc sáng sớm hay chiều muộn để tưới nước, nhổ cỏ cho hoa, các cụ ông, cụ bà thì mỗi khi “buồn tay” lại ra nhổ cỏ, bắt sâu, còn mấy đứa trẻ con cũng được ông bà, cha mẹ nhắc nhở chăm sóc vườn hoa để môi trường xung quanh luôn sạch đẹp. Người sở hữu vườn hoa rộng và đẹp nhất vùng là bà Dương Thị Ánh Hồng cũng là Chi hội trưởng phụ nữ thôn 16 với khu vực trồng hoa dài gần 100 mét. Bà cho biết, trước đây, đoạn đường trước nhà và xung quanh tường rào cỏ mọc nhiều, nhìn rất mất mỹ quan, nhưng nhờ trồng hoa, hiện nay, khuôn viên sạch đẹp hơn nhiều. Không những thế, trồng hoa là việc làm thiết thực của chị em phụ nữ trong thôn hưởng ứng phong trào “5 không 3 sạch”, vườn hoa đẹp cũng được đưa thêm vào tiêu chí xét gia đình văn hóa của thôn. Trưởng thôn 16 Ngô Văn Thảo cho biết, hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã đóng góp tiền với mức 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (tùy điều kiện từng gia đình) để làm gần 1 km đường trục chính trong thôn và 2 bên đường đều được trồng hoa.

Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Châu nhổ cỏ, chăm sóc vườn hoa trước nhà.
Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Châu nhổ cỏ, chăm sóc vườn hoa trước nhà.

Từ thôn 16, phong trào trồng hoa lan ra nhiều thôn, buôn khác của xã Ea Bar, trong đó, mạnh nhất là các thôn 16A, 17 và 17A khiến đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp. Đang nhổ cỏ cho vườn hoa trước nhà, bà Nguyễn Thị Châu (thôn 16A), chia sẻ: “Từ ngày có đường hoa, mấy đứa sinh viên học ở thành phố thường xuyên rủ bạn về chụp ảnh và đưa lên mạng, nhiều người ở nơi khác đi qua đây cũng dừng xe tranh thủ dùng điện thoại chụp ảnh”. Không chỉ các tuyến đường, nhiều trường học, trạm y tế xã cũng được trồng đủ các loại hoa để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Ea Bar cho biết, trên địa bà xã hiện có gần 73 km đường giao thông các loại, trong giai đoạn 2011 – 2015, địa phương đã đầu tư 52 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 28 tỷ đồng, vốn lồng ghép ngân sách tỉnh, huyện 21 tỷ đồng, ngân sách xã, vốn đóng góp của nhân dân 3 tỷ đồng. Nhờ đó, đã nhựa hoặc bê tông hóa 100% đường xã, liên xã, 70% đường thôn, buôn, 70% đường trục chính nội đồng và 100% đường ngõ, xóm sạch sẽ. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trên địa bàn xã đã tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến đất và tháo dỡ hàng rào để làm đường giao thông. Sau khi đường làm xong được giao cho các thôn, buôn bảo vệ, kiểm tra, chống sạt lở và giữ gìn vệ sinh, đồng thời, xã gợi ý cho người dân trồng các loại cỏ cảnh và hoa hai bên đường nhằm tạo cảnh quan sạch đẹp. Mô hình đường hoa đã trở thành điểm nhấn trong phong trào xây dựng nông thôn mới và Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ thành công bước đầu, địa phương đang khuyến khích nhân rộng ra tất cả các thôn, buôn trên địa bàn xã.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.