Cộng tác viên dân số nhiệt tình với công việc
Amí Đô gắn bó với công tác dân số của buôn Ko Đung A từ năm 2007. Khi mới nhận công việc, chị gặp rất nhiều khó khăn do nhiều người dân trong buôn vẫn quan niệm rằng phải sinh đông con để vui cửa vui nhà, có thêm nhân công lao động, có người chăm sóc khi về già… Một số người coi nhẹ vai trò của CTV dân số như chị và tỏ ra không hợp tác. Các biện pháp tránh thai hiện đại còn khá lạ lẫm đối với một số chị em trong buôn. Chính vì vậy, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở đây xảy ra phổ biến; sinh đông, sinh dày khiến cuộc sống của nhiều hộ trong buôn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn ấy, chị H’Blễn quyết tâm thay đổi nếp nghĩ và quan niệm của bà con về dân số-KHHGĐ. Chị chủ động nghiên cứu tài liệu, đồng thời học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền về công tác dân số từ các cộng tác viên khác, tham dự các buổi tập huấn về công tác dân số-KHHGĐ… Chị phối hợp chặt chẽ với Ban tự quản và các đoàn thể ở thôn để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ. H’Blễn tranh thủ thời gian vào buổi trưa hoặc buổi tối đến từng hộ sinh nhiều con, các cặp vợ chồng sinh con một bề để trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và kiên trì phân tích, vận động họ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Chị cho biết: “Mình thường nêu gương những cặp vợ chồng sinh ít con trong buôn mà hiện nay gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả, con cái được chăm sóc, học hành đầy đủ để làm gương cho mọi người học hỏi và làm theo”.
Nhờ sự tận tình, nỗ lực của H’Blễn, nhận thức của bà con trong buôn về dân số-KHHGĐ được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các cặp vợ chồng trong buôn đều ý thức rằng nên sinh ít, sinh thưa để có thời gian chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn cũng như có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Trong buôn Ko Đung A hiện có 130 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì đến nay đã có 115 chị sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó, có 10 chị thực hiện đình sản. Số chị em trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng các biện pháp tranh thai hiện đại chủ yếu là những người mới lập gia đình hoặc mới sinh con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở buôn cũng giảm rõ rệt theo từng năm. Cụ thể, nếu năm 2007 trong buôn có trên 70% cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên thì đến năm 2013 còn 3 trường hơp; năm 2014 có 2 trường hợp. Năm 2015 này, buôn Ko Đung A chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ 3. Chị H’Blễn cho biết: “Bà con trong buôn giờ “sợ” sinh đông con lắm rồi. Đến nay, nhiều chị em còn tự tìm đến nhà mình để tìm hiểu về các biện pháp tránh thai hiện đại. Nhờ thực hiện KHHGĐ nên đến nay, đời sống của bà con trong buôn được cải thiện rất nhiều; trẻ em trong buôn đều được đi học đúng độ tuổi”.
Nhiều năm qua, chị H’Blễn đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ngành Dân số các cấp biểu dương, khen thưởng về thành tích trong công tác. Nhưng với chị, niềm vui lớn nhất là đó là chất lượng dân số của buôn ngày càng nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện.
Quốc An
Ý kiến bạn đọc