Multimedia Đọc Báo in

Hết lòng với nạn nhân chất độc da cam

09:19, 07/12/2015
Trong những năm qua, bà Võ Thị Liên (tổ dân phố 1, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) luôn đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Trước đây, ngay từ khi còn công tác, bà Liên đã thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2008, biết về hoàn cảnh của cô bé học sinh nghèo học giỏi Trần Thị Lam (Trường THCS Lê Văn Tám, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana), bà đã trực tiếp đến thăm hỏi rồi kết nghĩa với gia đình cháu, vận động người thân, bạn bè góp tiền xây nhà, mua đồ dùng sinh hoạt tặng gia đình cháu, rồi trích tiền lương của mình giúp cháu Lam tiếp tục học hành. Tại nơi mình đang sinh sống, năm nào bà với gia đình cũng góp tiền để tặng quà Tết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở Tổ dân phố 1, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột).

Bà Võ Thị Liên (thứ 3, từ trái sang) đến thăm, tặng quà  gia đình ông Nguyễn Văn Nà, nạn nhân chất độc da cam ở thôn 15,  xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn)
Bà Võ Thị Liên (thứ 3, từ trái sang) đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Văn Nà, nạn nhân chất độc da cam ở thôn 15, xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn)

Năm 2011, sau khi về hưu, bà dành nhiều thời gian, trích một phần lương hưu của mình để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện của Hội Nạn nhân da cam/dioxin Đắk Lắk cho biết, tính từ tháng 6-2014 đến nay, bà Võ Thị Liên đã hỗ trợ các nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh khoảng 32 triệu đồng, định kỳ hằng quý bà thường hỗ trợ tiền mặt và quà tặng nạn nhân da cam khó khăn. Ngoài ra, bà còn vận động người thân, bạn bè cùng tặng quà (mì tôm, dầu ăn, bột ngọt…) cho những người khó khăn. Hiện nay, hằng tháng bà Liên còn dùng lương hưu của mình hỗ trợ 2 gia đình nạn nhân chất độc da cam là hộ ông Nguyễn Trung Lơ (thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) và hộ ông Lê Xuân Lương (thôn 8, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) với mức 300.000 đồng/gia đình/tháng.

Bà Liên đến với công tác nhân đạo, từ thiện xuất phát từ tấm lòng nhân ái. Với bà, làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh neo đơn cũng chính là để lại “phước, đức” cho mình và gia đình. Bà chia sẻ: “Gia đình chồng tôi sinh sống ở vùng căn cứ cách mạng, chồng tôi là cán bộ từng tham gia kháng chiến… Nhiều đồng đội, bạn bè phải chịu những hậu quả nặng nề bởi bị phơi nhiễm chất độc da cam; con cháu họ sinh ra bị khuyết tật do thứ chất độc nguy hại này. Gia đình tôi may mắn không bị phơi nhiễm, các con đều trưởng thành và thành đạt. Vì thế, tôi thấy mình nên giúp đỡ nạn nhân da cam, người nghèo, người có hoàn cảnh neo đơn như một cách sẻ chia với họ”.

Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đắk Lắk cảm kích: “Bà Liên và gia đình luôn sẵn lòng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tính đến nay, bà đã thăm hỏi, tặng tiền mặt và quà cho 40 nạn nhân chất độc da cam ở 7 huyện trong tỉnh. Việc làm của bà và gia đình đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của nhiều nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh”.

Bá Thăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.