Multimedia Đọc Báo in

Thơm thảo tấm lòng cựu chiến binh

09:47, 29/01/2016

Vươn lên từ trong gian khó, các cựu chiến binh luôn đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ. Để rồi, khi kinh tế gia đình khấm khá, ổn định, nhiều người thầm lặng làm việc nghĩa, giúp bao gia đình vượt qua nỗi lo thường nhật của cuộc sống.

“Cắm” sổ đỏ vay tiền cho hộ nghèo mượn

Đến buôn B (xã Dang Kang, huyện Krông Bông), nhiều hộ nghèo xem cựu chiến binh Y Mok là “cứu cánh” khi ông sẵn sàng cầm cố sổ đỏ vay tiền cho gia đình họ mượn. Trong khi đó, cuộc sống gia đình ông cũng chẳng mấy dư dả, nhà chỉ có 8 sào đất trồng lúa, 5 sào cà phê và mấy con trâu, con bò; vợ thì thường xuyên đau ốm, hằng tháng phải lên Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám và điều trị. Được biết, từ nhiều năm nay, mỗi khi hộ gia đình nào trong các thôn, buôn gặp khó khăn, hoạn nạn, ông Y Mok sẵn sàng đem đồng tiền cuối cùng trong túi ra để giúp đỡ. Đó là hoàn cảnh của gia đình ông Y Son (buôn A), không có đất sản xuất, cả hai vợ chồng cũng chẳng có nghề nghiệp, việc làm ổn định nên chỉ trông chờ vào số tiền đi làm thuê, làm mướn ít ỏi để sống qua ngày, nhưng vẫn cố gắng nuôi 2 đứa con ăn học. Cảm thương trước hoàn cảnh đó, ông Y Mok đã tặng cho Y Son 1 con bò cái chuẩn bị đẻ (trị giá gần 30 triệu đồng) để giúp gia đình có nguồn “vốn” phát triển kinh tế. Mỗi khi dắt bò đi ăn cỏ ngoài đồng, ông Y Son thường ngỏ ý muốn chăn giúp mấy con bò của gia đình ân nhân coi như bày tỏ lòng cảm ơn. Thế nhưng, ông Y Mok không vì thế nhờ vả người khác, mà đã thuê Y Son chăm sóc đàn bò và trả tiền công sòng phẳng.

Cựu  chiến binh  Y Mok (bên trái)  chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây  cà phê  với  đồng đội.
Cựu chiến binh Y Mok (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê với đồng đội.

Không chỉ tặng bò cho người nghèo, ông còn cho 3 hộ nghèo trong thôn mượn tiền tổng cộng gần 50 triệu đồng để mua phân bón, cây con giống mà không lấy tiền lãi. Đến đầu năm 2015, khi số tiền dành dụm tiết kiệm đã cho mượn hết, thấy nhiều gia đình vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, rất muốn phát triển sản xuất mà lại không có vốn, ông bàn với vợ con lấy sổ đỏ đem đến ngân hàng vay 100 triệu đồng về cho 6 hộ nghèo mượn. Điều đáng nói là ông chẳng hề lấy tiền lãi của ai. Là một trong 6 người được ông Y Mok cho mượn tiền, anh Y Mới (buôn Cư Păm) xúc động nói: “Nhà nghèo nên khi lập gia đình ra ở riêng bố mẹ chẳng có của cải, đất vườn để chia khiến cuộc sống của vợ chồng rất khó khăn. Nghe nhiều người mách, tôi mạnh dạn đến nhà ông Y Mok trình bày mong muốn và được cho mượn 20 triệu đồng rồi quyết định mua 1 sào đất để trồng lúa. Bây giờ, ngoài việc làm thuê làm mướn, vợ chồng tôi cũng phần nào bớt đi gánh nặng chạy gạo ăn từng bữa”.

Dù đã giúp được rất nhiều gia đình có nguồn vốn phát triển sản xuất, nhưng khi hỏi tên, tuổi những người được cho mượn tiền, ông lại không nói, bởi ông quan niệm, khi giúp người khác mà kể lể là điều không nên. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Dang Kang, Phan Văn Chính cho biết: “Trước đây chúng tôi đã biết ông có rất nhiều việc làm ý nghĩa giúp hộ nghèo, thế nhưng trong một lần tình cờ gặp ông Y Mok cùng mấy người dân trong xã đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông vay tiền, nghe những người đi cùng nói là ông cầm sổ đỏ của gia đình đi vay tiền cho họ mượn thì chúng tôi càng khâm phục, cảm kích. Có thể nói, tấm gương sống nhân nghĩa, hết lòng giúp đỡ người nghèo của ông Y Mok rất đáng để anh em hội viên và mọi người học hỏi, noi theo”.

Trọn nghĩa, vẹn tình với đồng đội

Đó là lời khen ngợi, sự cảm phục mà những người đồng chí, đồng đội và người dân xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) dành cho ông Nguyễn Tấn Chính (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã). Hơn 10 năm qua, ông đã giúp hàng chục người vươn lên thoát nghèo. Đó là trường hợp của cựu chiến binh Châu Thị Lý (thôn 18) được ông hỗ trợ 4 triệu đồng mua 800 m2 đất trồng lúa vào năm 2003. Hoàn cảnh mẹ con bà Lý hết sức khó khăn, một mình bà nuôi 3 người con trong khi chẳng có đất sản xuất khiến cái nghèo cứ đeo bám mãi. Được sự giúp đỡ của đồng đội, bà càng có thêm nghị lực trên con đường mưu sinh. Không phụ lòng giúp đỡ của ông Chính, cách đây 3 năm gia đình bà đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã, hai người con lớn cũng đã lập gia đình có cuộc sống ổn định. Với ông Võ Đình Hòa (thôn 19), ngoài số tiền 5 triệu đồng mượn của ông Chính cách đây mấy năm chưa trả được, thì những lúc gia đình gặp túng thiếu cũng thường xuyên được ông giúp thêm. Được biết, hoàn cảnh gia đình ông Hòa hết sức éo le, một mình ông phải gánh vác hết việc gia đình, vừa nuôi vợ bị bại liệt do tai nạn giao thông, mẹ già đã ngoài 97 tuổi lại còn chi phí lo cho con đang học đại học. Theo chia sẻ của ông Hòa, nếu không có sự giúp đỡ của đồng đội, đặc biệt là ông Chính thì không biết liệu mình có thể vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục đứng vững đến bây giờ không. Ngoài việc cho các hộ nghèo vay hàng chục triệu đồng không lấy lãi, ông Chính còn đem giấy tờ nhà đứng ra thế chấp với ngân hàng giúp các hội viên cựu chiến binh vay trên 1 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động là hội viên hội nông dân, hội cựu chiến binh trong xã với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng…

Cùng lúc đảm đương nhiều cương vị như: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư chi bộ thôn 12, Ủy viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ xã… nên những năm qua dấu chân ông đã in trên từng con đường làng, ngõ xóm khi đứng ra vận động người dân đóng góp xây dựng trạm điện biến áp phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất; vận động doanh nghiệp trên địa bàn xã đầu tư kinh phí tu sửa, mở rộng, nâng cấp đoạn đường cấp phối từ thôn 12 và thôn 17 vào nghĩa trang Đoàn Kết giúp người dân đi lại thuận tiện. Bên cạnh đó, ông được biết đến là người đi đầu trong các hoạt động quyên góp, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, khuyến học, xây dựng nhà đại đoàn kết… với số tiền hàng chục triệu đồng mỗi năm; riêng năm 2015, ông đã ủng hộ gần 54 triệu đồng. Chia sẻ về việc làm của mình, ông Chính tâm sự: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của người lính, trở về cuộc sống đời thường với hai bàn tay trắng, tôi đã làm đủ mọi nghề để thoát khỏi đói nghèo từ làm thuê, trồng sắn, xay lúa, ép mía... đến buôn bán nông sản. Khi kinh tế dần ổn định, tôi quyết định hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội và những gia đình khó khăn vươn lên xóa đói, giảm nghèo”. Không chỉ thế, ông Chính còn được biết đến là người nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, thành đạt khi 6 người con đều học hành thành tài, trong đó 5 người tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, đứa út thì đang học năm thứ 3 tại một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, điều đáng quý, đáng trân trọng ở những cựu chiến binh trên không chỉ là việc cho mượn tiền không lấy lãi, đem gia sản của gia đình đi cầm cố giúp người nghèo mà trên hết giúp ích cho xã hội bằng lòng hảo tâm rộng mở. Tấm lòng thiện nguyện, luôn hướng đến người nghèo của họ đã để lại bao điều tốt đẹp và góp phần tô điểm hình ảnh, bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” gương mẫu, gần gũi trong trái tim mỗi người.

 Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc