Multimedia Đọc Báo in

Những người đi mở đất…

06:29, 05/02/2016

Cách đây 30, 40 năm, các xã vùng sâu vùng xa của huyện Krông Bông và các xã vùng biên của huyện Ea Súp, được xem là nơi rừng thiêng nước độc, chưa có đất đai canh tác. Để tạo nên một diện mạo mới như ngày hôm nay ở những vùng đất này: ấm no và trù phú hơn, có công sức rất lớn của nhiều người con từ miền Bắc, miền Trung đi kinh tế mới những năm đầu sau giải phóng…

Mở đất…

Nhiều người dân ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) vẫn nhắc đến ông Vũ Xuân Tề, nguyên Bí thư Chi bộ xã Hòa Phong giai đoạn 1976-1986, với sự trìu mến, trân trọng bởi ông là một trong những lãnh đạo xã gắn bó, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân trong những năm tháng “khai hoang mở đất”, lập làng lập xã tại vùng đất này. 

Ông Nguyễn Hiến (đứng giữa) kể lại chuyện thi công đập Cư Phiăng để dẫn nước vào ruộng.
Ông Nguyễn Hiến (đứng giữa) kể lại chuyện thi công đập Cư Phiăng để dẫn nước vào ruộng.

Tháng 10-1976, ông Tề là một thành viên trong đoàn cán bộ tỉnh Thái Bình tăng cường vào Đắk Lắk, được phân công chuẩn bị để thành lập xã mới Hòa Phong. Ông Tề cho hay: “Ngày ấy, huyện Krông Bông chưa thành lập mà vẫn thuộc huyện Krông Pắc cũ. Khu vực Hòa Phong và các xã Hòa Lễ, Cư Đrăm, Cư Pui và Yang Mao bây giờ vẫn gọi là xã Krông Bông. Nhiệm vụ của tôi là tham gia xây dựng chính quyền, ổn định an dân để thành lập xã mới”. Ngày 25-11-1976, đoàn dân kinh tế mới từ Hội An (tỉnh Quảng Nam) vào vùng đất này khai hoang, điểm kinh tế mới Cư Phiăng (tiền thân của xã Hòa Phong ngày nay) được thành lập, ông Tề phối hợp với các cán bộ Ban Kinh tế mới của tỉnh sắp xếp nơi ăn chỗ ở, tổ chức sản xuất cho bà con. Khu vực Hòa Phong ngày ấy toàn rừng le, rừng dầu, đường đi không có, để đến được điểm kinh tế mới, xe ủi phải đi trước mở đường, xe chở dân đi sau. Đến nơi, người dân làm nhà tập thể, bắt tay vào khai hoang đất, các đội sản xuất nhanh chóng được thành lập gồm 12 đội (tập đoàn sản xuất) được đặt tên theo tên 3 phường, 6 xã ở quê hương Hội An (Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Cẩm Kim, Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm An). Sau đó, mỗi hộ được chia 1.000 m2 đất ở, được Nhà nước hỗ trợ 150 đồng để làm nhà. Ban ngày bà con đi khai hoang, phát rẫy, ban đêm tự cắt tranh, lồ ô để làm nhà riêng. Việc sản xuất vẫn làm ăn tập thể với việc thành lập 2 hợp tác xã là Sơn Phong và Cẩm Phong, lao động được chấm công điểm rồi sau đó chia sản phẩm theo công điểm. Việc khai hoang, sản xuất hoàn toàn bằng sức người với những dụng cụ hết sức thô sơ, vụ đầu tiên trồng đỗ xanh, sau đó trồng lúa cạn. Ông Tề nhớ lại: “Khó khăn vô cùng. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 6 tháng gạo ăn, sau đó lại được hỗ trợ thêm 3 tháng gạo nữa mà vẫn đói. Rừng thiêng, nước độc, bệnh tật rất nhiều, chủ yếu là bệnh sốt rét, trong khi trạm y tế thiếu nhân lực, thiếu cả thuốc men. Có người vừa đến hôm trước, hôm sau đã chết vì sốt rét. Người dân phải đi bộ 16 km ra Khuê Ngọc Điền mới mua được từng bó sắn về trồng, hột muối về ăn. Bà con đón Tết năm 1977 trong thiếu thốn, đặc biệt mùa khô năm đó, dãy nhà tập thể gồm 29 hộ bị cháy rụi, người dân không còn cả quần áo để mặc, tỉnh Quảng Nam phải đưa hàng nhưmắm muối, quần áo, chăn màn, cá khô... vào cứu trợ”. Với vai trò tổ trưởng tổ đảng, ông Tề vừa đề nghị Nhà nước hỗ trợ, vừa tăng cường tổ chức sản xuất để cứu đói và vận động, động viên người dân. Các cán bộ xã thời ấy phần lớn thời gian ở với dân, cùng khai hoang, phát rẫy, chịu đói khổ cùng bà con. Công trường Thanh niên 26-3 được thành lập, huy động sức trẻ hàng trăm thanh niên khai hoang, vỡ hóa. 

Còn với vợ chồng ông Nguyễn Văn Tĩnh, hiện ở thôn 3, xã Ea Bung (huyện Ea Súp), nhắc đến cái thời thanh niên xung phong đi tiền trạm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước sau khi đất nước được giải phóng, ông bà không khỏi bồi hồi. Cả đoàn từ Thái Bình đi ôtô một tuần liền mới vào được đến Đắk Lắk. Ngày ấy, địa bàn Ea Bung còn là vùng đất hoang vu, toàn rừng, chủ yếu là đường mòn, đi lại khó khăn do cây xấu hổ mọc chằng chịt. Nhiệm vụ và công việc chính của cả đoàn khi ấy là khai hoang. “Đúng là có sức người sỏi đá cũng thành cơm, nhiều lúc nghĩ lại vẫn thấy phục mình và bà con mình khi đó, vì ăn uống thì kham khổ, độn ngô, khoai, sắn, nhìn kỹ mới thấy hạt gạo; chỉ có cuốc, búa chim, xà beng để san đất, đào gốc cây mà làm nên những cánh đồng Dân tộc, Tam Kỳ, cánh đồng cơ quan như ngày hôm nay. Bàn tay ai cũng phồng rộp đến mức chai cứng chẳng còn cảm giác đau rát nữa”, ông Tĩnh nhớ lại. 

Đánh thức những vùng đất hoang

Tiếp tục với câu chuyện lập làng, lập xã của những người con quê lúa Thái Bình ở vùng đất Ea Bung (huyện Ea Súp), chúng tôi tìm gặp ông Vũ Đăng Mai ở thôn 7, cán bộ Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng giai đoạn 1985-1994. Ngày đó, Hợp tác xã quản lý 347 hộ xã viên, đất sản xuất được chia làm 7 hạng, mức thu sản phẩm tương ứng với từng hạng đất. Do việc sản xuất rất manh mún, máy móc không có, cả Hợp tác xã có tổng cộng 21 con trâu nên năng suất lúa không cao, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng đến việc thu sản phẩm của Hợp tác xã. Một chương trình hành động đã được thống nhất trên cơ sở họp, trưng cầu ý kiến của các đội sản xuất, các cán bộ lão thành cách mạng và hộ xã viên tiên tiến, đó là: vận động xã viên không nên bỏ ruộng vì là nông dân thì phải bám ruộng; nạo vét các công trình thủy lợi, trong đó khuyến khích, quan tâm giao việc làm các công trình kênh mương phụ cho hộ xã viên khó khăn để có thêm công điểm. Chương trình hành động này được xã viên hưởng ứng. Do phát huy được hiệu quả từ việc nạo vét, dẫn nước theo các kênh mương từ hồ Ea Súp hạ về nên xã viên đã sản xuất được 2 vụ, công việc thu sản phẩm của Hợp tác xã cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt một dấu ấn đậm nét là tại Hội nghị lần thứ 2, Hợp tác xã đã quyết định và thực hiện được việc mở rộng các tuyến kênh nội đồng, làm thêm các cây cầu gỗ. Kết quả chỉ trong vòng 1 năm rưỡi, Hợp tác xã đã đào mới, nạo vét được trên 15 nghìn mét khối đất và bắc được 40 cây cầu gỗ tạm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản. 

Người dân Thái Bình đi kinh tế mới ở Ea Bung đã biến vùng đất này trở thành vựa lúa trù phú.
Người dân Thái Bình đi kinh tế mới ở Ea Bung đã biến vùng đất này trở thành vựa lúa trù phú.

Một kỳ tích với những người dân kinh tế mới xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) là từ chỗ chỉ trồng lúa cạn, rau màu, đã tìm cách đắp đập, ngăn suối, giữ nước để làm thủy lợi và trồng được lúa nước hai vụ. Người góp phần làm nên kỳ tích ấy là ông Nguyễn Hiến, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Phong giai đoạn 1976-1986. Ông Hiến cho biết: “Ngày ấy, xã Hòa Phong chỉ có vài héc-ta ruộng nước ở buôn Cư Phiăng, còn lại chủ yếu là ruộng khô trồng khoai lang 2 vụ. Suối thấp, ruộng thì cao, nước không vào ruộng được. Nhưng tôi nhận thấy vào mùa lũ, nước dâng cao tràn vào ruộng. Quan sát qua 2 mùa nước lũ rồi khảo sát, đo đạc, tính toán, tôi quyết định: nếu làm đập ngăn suối lại tạo thành hồ chứa nước thì có thể dẫn nước vào ruộng. Đưa ra bàn bạc nhưng bà con không ai tin có thể làm được. Tổ chức rất nhiều cuộc họp, họp ở hợp tác xã, các đội sản xuất, rất nhiều ý kiến gạt đi, bàn lui nhưng tôi vẫn quyết làm, chấp nhận nếu không thành công sẽ từ chức chủ nhiệm”. Cuối năm 1980, đập Cư Phiăng được thi công, hàng trăm thanh niên được huy động đóng cọc le, đan phên nứa đổ đất xuống ngăn dòng. Không khí làm việc vô cùng khẩn trương bởi việc thi công chỉ có thể tiến hành trong vòng 5-10 ngày. Ông Hiến nhớ lại: “Thi công vào mùa lạnh, một đống lửa được đốt sẵn trên bờ để người từ dưới nước lên có thể sưởi ấm ngay. Cán bộ cũng xoay trần, lội nước như xã viên. Ai nấy đều tím tái đi vì lạnh. Nhưng khi dòng nước đầu tiên đổ vào mương (hệ thống kênh mương đã được đào sẵn từ trước) thì cả công trường hò reo, vui mừng”. Tiếp theo đập Cư Phiăng là đập Sơn Phong và đập buôn H’Ngô, cũng ông Hiến đứng ra chỉ huy công trường. Có nước, Hòa Phong sản xuất được lúa nước; 70 ha ruộng khô vốn chỉ trồng khoai lang, đậu đỗ nay đã trồng lúa nước 2 vụ, giải quyết cơ bản nhu cầu lương thực của người dân. Đến nay, các công trình thủy lợi nói trên vẫn là nguồn cung cấp nước chính cho 135 ha ruộng hai vụ và 115 ha ruộng một vụ của Hòa Phong. 

Hòa Phong bây giờ không còn dấu vết của những nhà tranh mái lá lụp xụp, những con đường mòn nhỏ xíu thường bị ngập lụt vào mùa mưa, thay vào đó là rất nhiều con đường được nhựa hóa và bê tông hóa. Ông Mai Viết Tăng, đội trưởng đội sản xuất Minh An ngày nào, nay là cán bộ UBND xã Hòa Phong, hồ hởi khoe: “Xã Hòa Phong hiện có 1.821 hộ với 8.500 khẩu, gồm 11 thôn, buôn; điện - đường - trường - trạm đầy đủ. Đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 13,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 27,35% năm 2011 đến nay giảm còn 15,04%. Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới (2011-2015), xã đã huy động được hơn 76,2 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học. Bà con đi kinh tế mới năm nào hầu hết đều có đời sống khá giả và gần 40 năm qua đã coi Hòa Phong như quê hương thân thiết của mình...”. 

Người dân Thái Bình đi kinh tế mới ở Ea Bung cũng đã biến vùng biên này trở thành một vựa lúa trù phú. Những cánh đồng lúa cao sản với năng suất trung bình 7 tấn/ha đã mang đến đời sống khấm khá cho người dân nơi đây. Anh Hoàng Văn Thượng (thôn 8, xã Ea Bung, huyện Ea Súp), một người dân Thái Bình vào lập nghiệp tại Ea Bung từ năm 1984, phấn khởi tâm sự: “Bây giờ chúng tôi cơ giới hóa nông nghiệp hết rồi, chứ không làm thủ công, dùng sức người như ngày trước nữa. Các khâu làm lúa đều thực hiện bằng máy hết. Nhờ lúa, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều máy móc phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đời sống người dân vùng biên đã cải thiện rất nhiều...”.

Đàm Thuần - Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.