Multimedia Đọc Báo in

Sức mạnh "Dân vận khéo"

10:53, 04/02/2016

Với cách làm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, những năm qua, các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã khéo léo huy động sức mạnh trong công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Gắn kết tình quân - dân

Không chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn chiến lược, những năm qua, Trung đoàn Bộ binh 584 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố tình đoàn kết quân - dân.

Năm nay, không khí đón Xuân của gia đình bà Phan Thị Hoa ở thôn 2 (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đầm ấm, rộn ràng hơn bởi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 584. Gia cảnh vốn đã nghèo khó lại càng túng quẫn hơn từ sau ngày bà bị tai nạn giao thông. Chia sẻ trước hoàn cảnh đó, năm 2015, đơn vị đã hỗ trợ 1 con bò giống trị giá 12 triệu đồng, hướng dẫn cách làm chuồng trại, trao cơ hội để gia đình vươn lên. Hay như gia đình bà Nguyễn Thị Phượng ở thôn 3 (xã Hòa Xuân) cũng là hộ nghèo, đất canh tác ít lại đông con, chồng bị bệnh thần kinh, mọi việc đều do một tay bà lo liệu. Năm 2014, từ nguồn quỹ tự cân đối, Trung đoàn đã hỗ trợ gia đình 2 con bò giống trị giá 25 triệu đồng, giúp đỡ làm chuồng trại; huy động chiến sĩ giúp trên 100 ngày công trồng hồ tiêu, hướng dẫn cách chăm sóc và xen canh cây hoa màu ngắn ngày. Nhờ đó, trong năm qua, gia đình bà Phượng đã thu hoạch được 4 tấn bắp, cặp bò giống đang phát triển tốt. 

Không chỉ giúp dân giảm nghèo, phát triển kinh tế, những năm qua, Trung đoàn Bộ binh 584 còn chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Nhiều tuyến đường khang trang, sạch đẹp tại xã Hòa Xuân đều ghi dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn. Trung tá Bùi Quang Thành, Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 584 cho biết: “Thực hiện phong trào “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” và giúp dân xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 584 đã huy động hàng nghìn ngày công lao động giúp xã Hòa Xuân làm mới gần 6 km đường bê tông liên thôn, nâng cấp các công trình dân sinh; hỗ trợ hàng trăm cây, con giống, thăm, tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách…”. Đến nay, xã Hòa Xuân đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,6% năm 2011 xuống còn 3,5% năm 2015. Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Những việc làm thiết thực, ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 584 đã ngày càng thắt chặt tình đoàn kết quân - dân, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, củng cố niềm tin trong nhân dân”.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 584 giúp người dân xã Hòa Xuân làm đường nông thôn.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 584 giúp người dân xã Hòa Xuân làm đường nông thôn.

Khơi nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới

Đưa chúng tôi đi trên con đường cấp phối rộng 8 m, Trưởng thôn Thanh Bình (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) Hà Xuân Đẹt (dân tộc Thái) không giấu được niềm vui: “Từ con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội trước kia, người dân đã tự nguyện hiến đất, góp công, dỡ bỏ hoa màu, tường rào xây dựng nên con đường rộng rãi như hôm nay”. Nghe ông nói tưởng chừng như mọi chuyện thật dễ dàng nhưng tìm hiểu kỹ mới biết đó là cả quá trình làm công tác “Dân vận khéo” của chi bộ, Ban tự quản thôn, nhất là vai trò của một trưởng thôn như ông. 

Được UBND xã chọn làm điểm huy động sức dân xây dựng đường giao thông nông thôn, thôn Thanh Bình đã tổ chức họp 5 cụm dân cư, tuyên truyền, vận động, cùng thảo luận cách làm, mức đóng góp và chọn cụm 4 để mở màn cho “chiến dịch” làm đường. Để mọi việc tiến hành thuận lợi, ông Đẹt cùng những người có uy tín trực tiếp xuống từng hộ dân vận động, thuyết phục. Khi tư tưởng thông suốt, người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp 400.000 đồng/hộ và 360 ngày công đổ đất, đào rãnh thoát nước, san gạt mở rộng mặt đường. Bằng cách làm tương tự như trên, ông Đẹt cùng với chi bộ, Ban tự quản, Mặt trận và các đoàn thể thôn vận động người dân trong thôn đóng góp 248 triệu đồng, khoảng 2.500 ngày công, hiến 4.600 m2 đất, gần 500 cây cối các loại để làm 6 tuyến đường nội thôn, nội đồng với tổng chiều dài 8,5 km. Bên cạnh đó, 207 hộ dân trong thôn còn đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng cùng với nguồn kinh phí của UBND xã hỗ trợ để xây dựng hội trường thôn rộng 172 m2, được khánh thành, đưa vào sử dụng ngay trong dịp Tết năm 2016.

Bên cạnh đó, trăn trở với bài toán giảm nghèo, ông Đẹt không quản ngại vất vả, tìm đến các xã khác trên địa bàn huyện học hỏi mô hình và mạnh dạn trồng thử nghiệm 200 cây hồ tiêu vào năm 2009. Nhận thấy đây là loại cây trồng thích hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương, gia đình ông đã nhân rộng lên 1 ha và làm điểm cho bà con trong thôn tham quan, học tập. Đồng thời, phối hợp với chi hội nông dân tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng. Nhờ vậy, đến nay toàn thôn đã phát triển thêm cây tiêu, điều, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh tế ngày càng phát triển. Chia sẻ về kinh nghiệm làm “Dân vận khéo”, ông Đẹt cho biết: “Ở địa bàn có 90% là người dân tộc thiểu số, nếu mình không sống gần gũi, thân tình với mọi người, không được người dân đồng tình, ủng hộ thì khó có thể làm được việc gì”. 

Có thể nói, sau 14 năm “vác tù và hàng tổng”, cái được và cũng là niềm vui lớn nhất đối với một trưởng thôn như ông không chỉ là Bằng khen của UBND tỉnh, Ban Dân vận Trung ương mà là số hộ nghèo của thôn ngày càng giảm (hiện chỉ còn 17 hộ nghèo), 35% hộ có nhà xây, nhà ván kiên cố, tất cả các hộ đều có phương tiện nghe nhìn, trẻ em trong độ tuổi được đến trường, nhiều tập tục lạc hậu của người dân đã được loại bỏ, an ninh trật tự địa phương ngày càng ổn định. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc