Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng người có công với cách mạng

10:42, 22/03/2016

Để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhiều năm qua, công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đã và đang được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Krông Năng thể hiện bằng tình cảm, trách nhiệm…

Sau nhiều năm mơ ước, đúng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân - năm 2016 ông Đỗ Văn Hợp ở tổ dân phố 1 (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) đã có căn nhà mới trị giá 40 triệu đồng nhờ quỹ Đền ơn đáp nghĩa - đây là món quà ấm áp nghĩa tình dành cho gia đình thương binh khó khăn. Như nhiều thanh niên cùng trang lứa, năm 1972, ông Hợp xung phong đi bộ đội, được phiên về Phòng Tham mưu, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh (Hà Nội). Năm 1975, trong một lần đi công tác tại chiến trường Quảng Trị ông Hợp bị thương ở chân. Xuất ngũ về địa phương ở huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa), năm 1992 ông chuyển vào huyện Krông Năng lập nghiệp. Cuộc sống nơi vùng quê mới chẳng dễ dàng với người lính đã mất 25% sức khỏe, dù cần mẫn lao động cũng chỉ đủ nuôi các con ăn học, căn nhà nhỏ xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa. Ông Hợp xúc động nói: “Tôi đã có một cái Tết cổ truyền đầm ấm trong căn nhà mới rộng rãi, sạch sẽ. Dẫu cuộc sống trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng tôi đỡ lo hơn vì có được chỗ ở ổn định”. Cùng chung niềm vui, chị Hoàng Thị Dung (thôn Xuân Hà 2, xã Ea Đah) là chị gái của liệt sỹ Hoàng Viết Lực chia sẻ: “Nhà chỉ có 2 chị em, năm 1978 em tôi hy sinh tại chiến trường Campuchia hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tây Ninh. Là người thân duy nhất, tôi đảm nhận việc thờ cúng liệt sĩ. Đầu năm 2016, gia đình được chính quyền địa phương bầu chọn hỗ trợ kinh phí làm nhà Tình nghĩa. Hôm nay, tôi lên phòng LĐ-TBXH để tạm ứng 20 triệu về làm nhà”.

Căn nhà Tình nghĩa của ông Đỗ Văn Hợp ở tổ dân phố 1, thị trấn  Krông Năng (huyện Krông Năng) được bàn giao đúng  dịp Tết Bính Thân 2016.
Căn nhà Tình nghĩa của ông Đỗ Văn Hợp ở tổ dân phố 1, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) được bàn giao đúng dịp Tết Bính Thân 2016.

 Ông Hồ Minh Tuy, Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Krông Năng cho biết, chăm lo cho đối tượng chính sách và người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Hưởng ứng chủ trương trên, huyện đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng để đền đáp một phần mất mát, hy sinh, xoa dịu nỗi đau mà các gia đình đã gánh chịu. Vì vậy, bằng nhiều hình thức, trung bình mỗi năm huyện vận động gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ người có công làm nhà Tình nghĩa. Đầu năm 2016, Ban Chỉ đạo Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện đã phân bổ 860 triệu đồng làm mới 18 căn nhà, sửa chữa 7 căn khác với mức hỗ trợ làm mới nhà là 40 triệu đồng/căn, sửa chữa 20 triệu đồng/căn. Năm 2016, huyện phấn đấu làm mới, sửa chữa 29 căn nhà cho các gia đình có công với cách mạng. Ngoài vận động tấm lòng thơm thảo của các tổ chức, cá nhân, huyện còn tranh thủ các chương trình để hỗ trợ gia đình chính sách làm nhà ở. Đặc biệt gần đây, thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phát động mỗi cán bộ, đảng viên tiết kiệm mỗi ngày ít nhất 500 đồng để xây dựng quỹ hỗ gia đình chính sách làm nhà ở. Việc làm ý nghĩa, thiết thực này được đông đảo cán bộ, đảng viên tích cực hưởng ứng và có sức lan tỏa sâu rộng, tạo thêm niềm tin của nhân dân về thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần giúp đỡ các gia đình chính sách vơi bớt khó khăn.

Việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công đã được huyện chi trả kịp thời, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Năm 2015, Phòng LĐ-TBXH đã thực hiện chi trả trợ cấp và các chế độ, chính sách cho 14.119 lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 18,5 tỷ đồng, gồm chi trả trợ cấp hằng tháng cho 8.926 lượt đối tượng và chi trả một lần cho 1.100 lượt đối tượng, với trên 16 tỷ đồng; thăm, tặng quà nhân các dịp lễ, tết cho 3.268 lượt đối tượng; trợ cấp điều dưỡng cho 329 đối tượng, hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình 16 đối tượng; giải quyết chế độ thăm viếng mộ liệt sĩ; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 648 người có công, thân nhân người có công, thân nhân liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc hóa học. Năm 2015, từ nguồn ngân sách của tỉnh đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ huyện.

Xác định rõ, tôn vinh chăm sóc người có công là việc làm thường xuyên, cần huy động cả cộng đồng xã hội tham gia với những phong trào sôi nổi, thiết thực, năm 2016 huyện Krông Năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức vì người có công; thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; đặc biệt đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nhà ở cho đối tượng còn khó khăn, phấn đấu xóa nhà tạm đối với người có công, gia đình chính sách. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của người có công trên địa bàn huyện là Nhà nước sớm nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho họ.

Gia Nguyên 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.