Multimedia Đọc Báo in

Đem yêu thương đến cho trẻ em nghèo

11:21, 21/03/2016

Để trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi có thêm niềm tin vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em (BTTE) tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Hành trình đem yêu thương đến cho các em đã thực sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.

Sau khi mẹ chết vì căn bệnh ung thư vào năm 2014, bố bỏ nhà ra đi, 3 chị em H’Ngát Êban (SN 2001), Y Tim Êban (SN 2005), H’Bát Êban (SN 2010) ở buôn Êcăm (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) trở thành trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Thương cháu, bà ngoại đưa về cưu mang, lo cho ăn học. Khổ nỗi, bà cũng đã già yếu, mọi chi tiêu, sinh hoạt trông cả vào 3 sào cà phê con cháu làm giúp. Căn nhà gỗ cũ của 4 bà cháu ngày càng xuống cấp, sập xệ nhưng cũng chỉ biết dùng bao bạt che chắn tạm. Chia sẻ trước hoàn cảnh khó khăn đó, cuối năm 2014, Quỹ BTTE tỉnh đã hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vận động đóng góp của Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk và Công ty Ong mật Đắk Lắk; UBND huyện Krông Ana và UBND thị trấn Buôn Trấp hỗ trợ 13 triệu đồng xây dựng cho 3 chị em mồ côi căn nhà Tình thương rộng 32 m2. Trò chuyện trong căn nhà xây khang trang, em H’Ngát Êban vui mừng: “Từ ngày có nhà mới, 4 bà cháu vui lắm, không còn lo bị mưa dột, gió lạnh nữa. 3 chị em cháu sẽ cố gắng học tập tốt hơn để không phụ lòng quan tâm, hỗ trợ của mọi người”.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ BTTE tỉnh và nhà tài trợ trao xe đạp tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ BTTE tỉnh và nhà tài trợ trao xe đạp tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Vốn đã là hộ nghèo ở tổ dân phố Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), hoàn cảnh của gia đình anh Y Thuyết BKrông càng khó khăn, túng thiếu hơn sau khi cháu Y Nic Êban chào đời năm 2011 và bị sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh. Do sức khỏe yếu nên cháu Y Nic thường xuyên bị viêm phổi, sốt, ăn uống khó khăn, cơ thể phát triển chậm. Khi nhận được tin Quỹ BTTE tỉnh tổ chức khám sàng lọc bệnh sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, anh Y Thuyết liền đăng ký danh sách và đưa con lên tận TP. Buôn Ma Thuột khám bệnh. Nhờ vậy, cháu Y Nic đã được hỗ trợ phẫu thuật vá môi vào năm 2012. Niềm vui như được nhân đôi bởi vào tháng 8-2015, cháu lại được Quỹ hỗ trợ chi phí phẫu thuật hàm ếch. Cho chúng tôi xem tấm hình chụp cháu Y Nic trước và sau khi trải qua 2 cuộc phẫu thuật với tổng chi phí hơn 16 triệu đồng, anh Y Thuyết không kìm được xúc động: “Cũng nhờ sự hỗ trợ của Quỹ BTTE tỉnh mà con tôi mới có được khuôn mặt xinh xắn như thế này. Từ sau khi phẫu thuật đến nay, sức khỏe của cháu bình phục nhanh chóng, ăn uống bình thường, nói rõ hơn trước nhiều. Gia đình, họ hàng ai cũng vui mừng khôn xiết”.

Em Phạm Thị Dung (SN 2002) là con út trong một gia đình nghèo, có 7 anh chị em ở thôn 2 (xã Hòa Tân, huyện Krông Bông). Sau khi bố em qua đời do bệnh hiểm nghèo, mọi gánh nặng đè cả lên vai mẹ là bà Đặng Thị Hồng. Hai con đầu tuy đã lập gia đình riêng nhưng hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên không giúp đỡ được gì, mình bà Hồng không đủ sức xoay xở lo cho cả 5 con ăn học nên 4 anh chị của Dung phải lần lượt nghỉ học đỡ đần mẹ chăm sóc cà phê, lúa và làm thuê kiếm thêm thu nhập. Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng Dung luôn nỗ lực học tập, 8 năm liền đạt học sinh tiên tiến. Thế nhưng, con đường đến trường của em ngày càng vất vả hơn khi chiếc xe đạp mẹ dành dụm tiền mua thường xuyên hư hỏng nặng. Vì thế, Dung đã vui mừng khôn xiết khi em được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng một chiếc xe đạp trị giá 1,5 triệu đồng và 150.000 đồng để mua sách vở, bút viết vào cuối năm 2015.

Chị em H’Ngát Êban, em Y Nic Êban và Phạm Thị Dung chỉ là 3 trong số trên 50.000 lượt trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Quỹ BTTE tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ trong suốt hơn 13 năm thành lập và hoạt động. Để có điều kiện trợ giúp các em, ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, của tỉnh, Quỹ BTTE tỉnh đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng quỹ. Không chỉ gửi thư kêu gọi, các thành viên của Quỹ còn đến tận nơi vận động trực tiếp; rà soát, lập danh sách trẻ em khó khăn gửi các đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức nhiều chương trình, hoạt động mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc nhằm huy động sự tham gia của các mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo. Qua đó, chỉ tính riêng trong 5 năm (2011-2015), Quỹ BTTE tỉnh đã hỗ trợ phẫu thuật tim cho 318 trẻ em với kinh phí hơn 10 tỷ đồng; hỗ trợ phẫu thuật phục hồi chức năng cho 3.161 trẻ em bị các bệnh về mắt, dị tật vận động, sứt môi, hở hàm ếch, sẹo bỏng với kinh phí gần 4 tỷ đồng; trao học bổng cho gần 6.000 học sinh nghèo với kinh phí hơn 3 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 96 nhà Tình thương với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng và 12 điểm trường mẫu giáo, 4 điểm vui chơi tại các vùng khó khăn với kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ đã tổ chức thăm, tặng quà và hỗ trợ dinh dưỡng cho hơn 24.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 6 tỷ đồng và hỗ trợ đột xuất cho hàng trăm trẻ em bị tai nạn rủi ro khác.

Ông Lâm Đình Nhiên, Giám đốc Quỹ BTTE tỉnh cho biết: Trong số hơn 570 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi của tỉnh vẫn còn 58 nghìn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 6 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, Quỹ Bảo BTTE tỉnh rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự chung tay, đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để có thêm nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ trẻ em nghèo, đem yêu thương và niềm tin giúp các em hòa nhập cộng đồng.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.