Khổ vì không... hộ khẩu
Được thành lập vào năm 2011, nhưng đến nay, cả buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) với hơn 260 hộ, 1.029 nhân khẩu vẫn chưa có sổ hộ khẩu và giấy tờ tùy thân...
Từ trung tâm huyện Lắk, vượt qua 30 km đường đèo hiểm trở và 10 km đường ghập ghềnh, bụi mù chúng tôi mới đến được buôn Đắk Sar. Giữa cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, buôn Đắk Sar dần hiện ra với những ngôi nhà tranh lụp xụp giữa đại ngàn hoang vu. Từ đầu đến cuối buôn, những căn nhà được dựng ván, lợp tôn chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại toàn là nhà tranh vách nứa. Bên căn nhà tuềnh toàng của mình, anh Dương Văn Vừ (SN 1985, dân tộc Mông) cho biết, 7 nhân khẩu của gia đình anh sống chủ yếu nhờ mấy sào sắn và ngô trên rẫy, thu hoạch chẳng đáng bao nhiêu nên cái đói luôn chực chờ trước mắt. Gia đình cũng nhiều lần muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi nhưng ngặt nỗi không có sổ hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân nên đành chịu. Cách nhà anh Vừ không xa, chúng tôi bước tiếp vào căn nhà xập xệ của anh Lý Văn Thực (SN 1988, dân tộc Tày). Chưa tới 30 tuổi nhưng vợ chồng Thực đã có 4 người con. Nhìn những đứa bé đầu trần, chân đất, mặt mũi nhem nhuốc khiến chúng tôi cảm thấy xót xa. Anh Thực tâm sự: “Cuộc sống ở đây khó khăn, nhưng chúng tôi đã quen rồi nên chẳng muốn đi đâu. Mà muốn đi đâu làm ăn cũng chẳng được vì không có giấy tờ tùy thân”.
Khu vực trung tâm buôn Đắk Sar chỉ lèo tèo vài nóc nhà lụp xụp. |
Ông Nông Văn Du, Trưởng buôn Đắk Sar cho biết, người dân trong buôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào sinh sống khoảng hơn mười năm nay. Ở vùng đất được mệnh danh “5 không” này, điều kiện sinh sống và cơ sở vật chất còn gặp rất khó khăn. Không đường - điện - nước - chợ, lâu dần người dân cũng quen được, nhưng khó khăn nhất vẫn là chuyện không có hộ khẩu, chứng minh thư. Cũng bởi vậy nên từ chuyện bổ túc hồ sơ, xin việc làm cho đến vay vốn ngân hàng… đều không thể làm được. Theo ông Du, những năm trước đây chuyện học tập của con em trong buôn cũng vô cùng vất vả, các cháu phải đi bộ hàng chục cây số sang buôn khác để học. Nay đã có điểm Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm được xây dựng tại buôn. Tuy nhiên, về lâu dài, khi các cháu lên cấp học cao hơn thì chuyện không có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu chắc chắn sẽ là “rào cản”. “Niềm mong mỏi lớn nhất của người dân chúng tôi là được cấp sổ hộ khẩu để yên tâm trong cuộc sống”- ông Du bày tỏ.
Đường vào buôn Đắk Sar. |
Thực ra, từ khi thành lập buôn Đắk Sar này, xã Đắk Nuê cũng giải quyết cho các hộ dân được tạm trú, nhưng xem ra việc quản lý hành chính ở đây vẫn còn rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Công an xã Đắk Nuê cho biết, do chưa có hộ khẩu nên chính quyền xã giải quyết cho nhân dân đăng ký tạm trú dài hạn. Cứ hết 2 năm, lại tiếp tục gia hạn. Đắk Sar là buôn xa xôi, rộng lớn của xã, người dân sống không tập trung, nên khi có biến động về nhân khẩu khiến cho việc xác minh, thay đổi, thống kê nhân khẩu sẽ khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc tăng cường quản lý xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Còn ông Y Nốt B’krông, Chủ tịch UBND xã Đắk Nuê thì cho hay: Điều khó khăn nhất trong công tác cấp chứng minh thư hay sổ hộ khẩu ở buôn Đắk Sar là do người dân từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào nên chính quyền không thể xác minh được họ đã cắt khẩu ở quê hay chưa. Xã cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn người dân về lại các tỉnh phía Bắc để xác minh thân thế, nhưng kết quả thu về chẳng được bao nhiêu. Phần vì người dân không hợp tác, phần vì kinh tế khó khăn nên họ không có kinh phí để về xác minh. Thêm vào đó, khu vực này là đất đã quy hoạch nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa thể phân lô, phân thửa nên chuyện cấp hộ khẩu cho dân không thể một sớm một chiều được, mà cần phải theo chủ trương và kế hoạch của cấp trên.
Dẫu biết rằng nguyên nhân chính của thực trạng trên là do người dân di cư tự do đến khai phá, xâm canh trái phép, song, việc tồn tại một buôn làng hàng trăm nóc nhà, hàng ngàn con người không hộ khẩu, không chứng minh thư trong cuộc sống thiếu thốn trăm bề là một câu chuyện buồn. Cuộc sống hiện tại khó khăn đã đành, nhưng còn tương lai phía trước của hàng trăm con em họ sẽ ra sao, đang là câu chuyện đáng để nhiều người trăn trở.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc