Multimedia Đọc Báo in

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động: Những "lỗ hổng" từ nhận thức (Kỳ II)

09:31, 17/05/2016

 

Kỳ II: Cần một sự đổi thay thực sự

Công tác bảo đảm ATVSLĐ là hoạt động thường xuyên, liên tục và phải bắt đầu từ chính nhận thức của người trong cuộc. Do vậy, để lấp đầy những “lỗ hổng” trong công tác này, đòi hỏi phải có sự đổi thay thực sự từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Chủ động phòng ngừa

Anh Nguyễn Chiến Thắng, Phó Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTBXH cho biết: “Bên cạnh những đơn vị chưa quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ thì cũng có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí, thời gian, nhân lực cho công tác này. Và kết quả họ thu được chính là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và an toàn tính mạng của người lao động”. Chẳng hạn như các đơn vị: Khách sạn Sài Gòn – Ban Mê, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – miền Trung; Công ty Truyền tải điện 3, Công ty TNHH Thạch Anh (thôn 9, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột)… Ngoài những việc làm trước mắt như xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tuần lễ Quốc ATVSLĐ – Phòng chống cháy nổ, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, tổ chức dọn vệ sinh, trồng cây xanh, thăm hỏi, động viên người lao động, những doanh nghiệp kể trên còn xây dựng chiến lược lâu dài trong thực hiện công tác ATVSLĐ. Trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm, tổ chức ký kết hợp đồng lao động theo quy định, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên, phân công người phụ trách công tác ATVSLĐ, tiến hành huấn luyện và cấp chứng chỉ an toàn cho người lao động. Để bảo đảm an toàn tính mạng của người lao động, các doanh nghiệp còn thực hiện kiểm định máy móc, thiết bị, xây dựng nội quy làm việc, quy trình vận hành các loại máy móc, thiết bị theo quy định, thường xuyên vệ sinh công nghiệp, trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân… Không những vậy, các doanh nghiệp trên còn tổ chức tự kiểm tra, đánh giá công tác ATVSLĐ và báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan quản lý nhà nước.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Đắk Lắk.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Đắk Lắk.

Ông Lê Đình Hòa, cán bộ chuyên trách ATVSLĐ, Công ty Truyền tải điện 3 cho biết: Tùy theo vị trí công việc của 186 người lao động, công ty đều đã trang bị đầy đủ mũ, giày, dây đeo an toàn, dây chống rơi, quần áo chống điện từ trường. Mỗi khi thi công hoặc triển khai công tác bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, công ty đều xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa ra phương án xử lý các trường hợp có thể xảy ra và tổ chức họp quán triệt đến toàn thể công nhân. Trong khi thi công, cử cán bộ trực tiếp chỉ đạo, giám sát, nhắc nhở. Do vậy, những năm qua công ty chưa xảy ra vụ tai nạn lao động nào trong quá trình sản xuất. Còn anh Vũ Thiên Nhiên, công nhân phân xưởng nấu – lên men, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – miền Trung cho hay: “Ý thức được trách nhiệm của mình trong quá trình phát triển sản xuất của doanh nghiệp, tôi luôn tuân thủ các nội quy, quy định ATVSLĐ, sử dụng đầy đủ các trang bị bảo hộ cá nhân đã được cấp, tham gia các khóa huấn luyện an toàn và xây dựng tác phong làm việc ngày càng chuyên nghiệp hơn”.

Thay đổi nhận thức và hành động

Để nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ thì phải thay đổi chính nhận thức, hành động của người sử dụng lao động và người lao động. Vì vậy, hằng năm, Ban Chỉ đạo Tuần lễ tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền một cách sâu rộng hoạt động của các tổ chức, đơn vị về phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ – Phòng chống cháy nổ. Sở LĐTBXH cũng đã in sao đĩa CD tuyên truyền về ATVSLĐ cấp cho các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của địa phương. Trên các trục đường chính tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và trụ sở làm việc của các sở, ngành, doanh nghiệp đều treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động, hưởng ứng tuần lễ. Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp, ngành, địa phương cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, vi phạm, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên ngành, thao diễn kỹ thuật an toàn và phòng cháy chữa cháy, vận động dọn vệ sinh, trồng cây xanh tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, theo ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, nếu chỉ dừng lại ở các biện pháp trên thì vẫn chưa đủ mạnh để thay đổi nhận thức và hành vi trong thực hiện công tác ATVSLĐ. Do vậy, thời gian tới, khi Luật An toàn vệ sinh lao động chính thức có hiệu lực từ 1-7-2016 hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động với nhiều quy định cụ thể và chế tài xử lý rõ ràng các vi phạm sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong việc đảm bảo ATVSLĐ. Trước mắt, để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo ATVSLĐ cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, những tai nạn lao động cần đề phòng; trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc; xây dựng và thực hiện văn hóa an toàn lao động. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn cần tăng cường tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ, thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và công khai các doanh nghiệp cố tình vi phạm công tác ATVSLĐ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.