Multimedia Đọc Báo in

Những cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi

17:10, 15/05/2016

Không chỉ năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo trong các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, nhiều cán bộ Đoàn còn có nghị lực vượt khó, năng động trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu...

Với phương châm “làm kinh tế giỏi là làm tốt việc đoàn kết, tập hợp thanh niên”, vốn có tay nghề làm mộc gia truyền, năm 2010 anh Hoàng Văn Thịnh, Phó Bí thư Đoàn xã Cư Né (huyện Krông Búk) mạnh dạn bàn bạc với gia đình mở cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ quy mô nhỏ với số vốn ban đầu là 50 triệu đồng. Năm đầu đi vào sản xuất, do vốn ít, chưa quen thị trường nên tổng thu nhập của cơ sở chỉ khoảng 90 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 1 thanh niên. Không nản chí trước khó khăn ban đầu, anh Thịnh lại mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư máy móc sản xuất và mở rộng nhà xưởng từ 60 m2 lên 170 m2 . Dần dần, cơ sở bắt đầu làm ăn có hiệu quả, sản phẩm được thị trường chấp nhận nhiều hơn và bắt đầu có lãi với doanh thu trung bình khoảng 350 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 5 thanh niên địa phương có thu nhập ổn định. Từ thành công của bản thân, anh Hoàng Văn Thịnh đã tham mưu cho Đoàn xã Cư Né thành lập “Câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế” với 12 thành viên là cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên trong xã. Các thành viên của câu lạc bộ đã xây dựng được 6 mô hình kinh tế hiệu quả cao như: chăn nuôi bò trang trại, nuôi chim bồ câu Pháp, ươm và cấy ghép cây giống… Với sự năng động, nhiệt huyết trong công tác và hiệu quả kinh tế gia đình, anh Hoàng Văn Thịnh đã được tặng Giải thưởng Lương Định Của - giải thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và xây dựng nông thôn mới.

Anh Hoàng Văn Thịnh được tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2013.
Anh Hoàng Văn Thịnh được tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2013.

Anh Nguyễn Văn Tùng, Bí thư Chi đoàn thôn 3, xã Ea Đar (huyện Ea Kar) được biết đến như một “ông chủ trẻ” năng động, dám nghĩ, biết làm. Năm 2012, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự tư vấn, định hướng của tổ chức Đoàn, anh Tùng đã mở xưởng cơ khí Phúc Khang tại thôn 10, xã Ea Đar. Qua hơn 4 năm hoạt động với số vốn ban đầu là 300 triệu đồng, đến nay xưởng cơ khí của anh Tùng đã có hệ thống nhà xưởng rộng rãi và máy móc hiện đại trị giá hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho 5 lao động là thanh niên tại địa phương với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, trong vai trò Bí thư Chi đoàn, anh Tùng luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động do Đoàn tổ chức; thường xuyên giúp đỡ thanh niên trong phát triển kinh tế.

Anh Y Luân Bkrông (phường Đạt Hiếu, TX. Buôn Hồ) không chỉ là một Phó Bí thư, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường năng nổ, nhiệt huyết mà còn là một điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Anh đã tìm tòi, học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình trồng cà phê xen tiêu, mang lại thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những thanh niên khác có khát vọng làm giàu chính đáng. Với suy nghĩ  “mình thành công phải giúp thanh niên khác thành công”, anh đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ 6 hội viên thanh niên trên địa bàn áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình xen canh cà phê, tiêu và chăn nuôi cho thu nhập cao và ổn định.

Anh Y Luân Bkrông đang chăm sóc vườn cây của mình
Anh Y Luân Bkrông đang chăm sóc vườn cây của mình

Còn rất nhiều cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi ở khắp các địa phương trong tỉnh như anh Hà Văn Thực, Bí thư Đoàn xã Tân Lập (huyện Krông Búk), anh Ngô Đình Quyền (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc), chị H’Kam Rya (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), anh Dương Văn Hiền (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột)… Họ là những “thủ lĩnh” thanh niên dám nghĩ, dám làm, là hạt nhân đoàn kết tập hợp thanh niên và là những tấm gương điển hình minh chứng cho khát vọng của tuổi trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Võ Ngọc


Ý kiến bạn đọc