Kỷ niệm từ những chuyến đi biên giới
Mỗi lần đến với biên cương, mảnh đất tiền tiêu tuy còn thiếu thốn, nhưng sâu nặng nghĩa tình luôn đọng lại trong tôi những kỷ niệm khó quên. Và “vốn” nghề mà chúng tôi, những người làm báo còn non trẻ có được cũng bắt đầu từ những chuyến đi như thế...
Nhớ lần đầu tiên đến Đồn Biên phòng Yok M’Bre, gương mặt của cánh phóng viên trẻ chúng tôi hằn lên sự mệt mỏi, bước chân cũng chậm chạp hơn bởi vừa phải vượt quãng đường xa ngái, ngoằn ngoèo, lắm ổ voi, ổ gà. Nhưng khi gặp cán bộ, chiến sĩ của Đồn, thấy sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của các anh, chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng. Giữa vùng biên khắc nghiệt, thừa nắng gió, lại sinh hoạt trong điều kiện thiếu nước, phải dự trữ nước mưa để dùng mùa khô, nhưng sự khéo léo, chịu khó và chăm chỉ của các anh đã gieo lên vùng đất cằn cỗi một màu xanh tươi mới với vườn rau xanh ngát, cây trái trĩu cành, khuôn viên doanh trại sạch đẹp, đàn vật nuôi béo núc... Đặc biệt, để bảo vệ từng tấc đất thiêng của Tổ quốc, dù nắng mưa hay ngày đêm các anh luôn có mặt tuần tra, bảo vệ biên giới. Có lẽ vì vậy mà mỗi cánh rừng, con suối, lối đi đều ghi dấu kỷ niệm của các anh. Chính những hình ảnh chân thật ấy đã trở thành tư liệu “sống” cho những bài viết đầu tiên của tôi về biên giới: Xúc cảm biên cương; Trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi ở Đồn Biên phòng 741; Xuân với những chiến sĩ tiền tiêu...
Phóng viên nữ chụp hình lưu niệm với các chiến sĩ nơi biên giới. |
Một lần khác chúng tôi tác nghiệp tại cột mốc số 42, nằm trên đoạn biên giới do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê quản lý và bảo vệ. Từng lời giới thiệu về cột mốc của Đại úy Lưu Minh Hưng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê như càng khắc sâu vào tâm trí mỗi người đến dự. Giữa nắng trưa như thiêu đốt, cỏ cây đã thay màu vàng cháy, chúng tôi cùng nghiêm trang chào cột mốc và một cảm xúc dâng tràn. Cảm xúc ấy khó gọi bằng tên, như có một sức mạnh đặc biệt, làm bao mệt mỏi tan biến. Nó làm cho nhiều người trong chúng tôi lần đầu tiên đặt chân đến phải cay xè nơi sống mũi... Đến biên cương, chúng tôi được chứng kiến niềm vui hiện hữu trên gương mặt những người lính khi các anh tiếp sức cho hàng chục học sinh vùng biên khó khăn qua chương trình “Nâng bước em đến trường”. Ánh mắt trong trẻo, sự hiếu học và cả hoàn cảnh đáng thương của nhiều đứa trẻ vùng biên khiến cán bộ, chiến sĩ biên phòng không khỏi trăn trở, lo lắng như lo cho chính những đứa con ruột thịt của mình. Những hình ảnh đó vẫn luôn đọng mãi trong tôi khi nhớ về những người lính biên phòng...
Rồi những lần theo các anh về buôn làng vùng biên tác nghiệp, chúng tôi càng hiểu rằng, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng: Ia R’vê, Sêrêpôk, Cửa khẩu Đắk Ruê... đã không quản khó khăn, cùng nhân dân vùng biên xây dựng nông thôn mới; phát triển các mô hình kinh tế giúp dân thoát nghèo; tư vấn, khám, chữa bệnh miễn phí; mở các lớp học xóa mù chữ, làm đường nông thôn; sửa chữa nhà ở cho bà con... Chúng tôi cũng vô cùng xúc động khi chứng kiến tình cảm của người dân nơi vùng biên dành cho những người lính biên phòng như người thân trong nhà, từ những món quà đơn sơ, chân tình mà họ gửi tặng chiến sĩ như túi rau, bắp chuối, con gà... Có lẽ chính tình cảm sâu nặng đó giúp các anh vững tin hơn để vững chắc tay súng, bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Mỗi chuyến đi biên giới là một kỷ niệm khó phai trong hành trình làm báo. Nghĩa tình quân dân, hình ảnh của những người lính kiên cường, dũng cảm, cột mốc chủ quyền, hay chỉ là nụ cười vô tư của con trẻ vùng biên... luôn mang đến cho chúng tôi những cảm xúc khó quên.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc