Multimedia Đọc Báo in

Mang niềm vui đến với Mẹ

10:49, 28/06/2016

Cũng như bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác, suốt cả cuộc đời, Mẹ Đặng Thị Lịch đã hy sinh tuổi xuân, hạnh phúc riêng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ở tuổi 97, mắt Mẹ mờ dần theo thời gian, mái tóc bạc màu nắng gió, nhưng nụ cười vẫn phúc hậu, hiền hòa như ngày nào.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Lịch sinh năm 1919, quê ở xã Cẩm Thanh, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam). Năm 1976, Mẹ cùng các con vào thôn 1, xã Hòa Phong (Krông Bông) sinh sống và lập nghiệp. Hiện nay, Mẹ đang ở với gia đình người con út là anh Lê Lược. Tháng 3-2014, Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.  

Đại diện các cơ quan, đơn vị đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Lịch.
Đại diện các cơ quan, đơn vị đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Lịch.

 Tháng 2-1968, nhận tin chồng là liệt sỹ Lê Nhiên đã hy sinh trên chiến trường Quảng Nam, dù cố gắng bình tâm, nhưng nỗi đau cứ cào xé trong lòng, khiến Mẹ không muốn tin điều đó là sự thật... Hơn 2 năm sau, con gái Mẹ, chị Lê Thị Liên cũng đã anh dũng hy sinh ở tuổi thanh xuân, hiến trọn máu xương cho Tổ quốc (hy sinh tháng 8-1970). Nỗi đau nối tiếp nhau tưởng sẽ làm Mẹ gục ngã và vết thương lòng như càng sâu hơn bởi đến nay, gia đình Mẹ vẫn chưa có thông tin gì về hài cốt liệt sỹ Lê Nhiên... Giờ đây, Mẹ đã già yếu, nhưng vẫn kiên trung, vượt qua nỗi đau tinh thần để sum vầy cùng cháu con. Mẹ luôn nhắc nhở, răn dạy con cháu phải phát huy truyền thống gia đình cách mạng, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh  trao Quyết định phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Lịch.
Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao Quyết định phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Lịch.

 Khắc ghi đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mà hơn hết là tình cảm, trách nhiệm và lòng tri ân, tháng 6-2016, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhận phụng dưỡng Mẹ Đặng Thị Lịch. Ngoài việc thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, mỗi tháng, đơn vị sẽ trao tiền hỗ trợ 1 triệu đồng cho Mẹ, tiền được trích từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Trước sự chân thành của đơn vị, anh Lê Lược, con trai Mẹ cảm động: “Xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, những đồng chí, đồng đội đã cùng chí hướng với ba và chị gái của tôi. Gia đình chúng tôi rất vui mừng khi đón nhận thêm những người con về cùng chung mái nhà, cùng chăm sóc Mẹ tuổi già, lúc trái gió trở trời”.

Trao quyết định phụng dưỡng cho Mẹ, Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: “Việc làm của đơn vị còn rất nhỏ so với những hy sinh, mất mát của Mẹ. Mong Mẹ và gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, luôn là tấm gương sáng để giáo dục các thế hệ con cháu noi theo”.

Không riêng Mẹ Đặng Thị Lịch, hiện nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang nhận phụng dưỡng 13 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh. Với tình cảm, trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị hy vọng được chăm sóc và thể hiện tấm lòng tri ân đối với các Mẹ.  

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.