Multimedia Đọc Báo in

Nơi kết nối các thành viên trong gia đình

10:34, 28/06/2016

Những mô hình, câu lạc bộ (BLB) được thành lập và hoạt động theo Đề án “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” (Đề án 704) đã góp phần không nhỏ trong việc gắn kết, vun đắp, giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Tạo chất “keo” gắn kết hạnh phúc

Được thành lập cuối năm 2009, Câu lạc bộ “Kết nối mẹ và con gái” xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng, tạo sự gắn kết của 60 thành viên mẹ và con gái.

Đến với CLB, mẹ và con gái được tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi sôi động, xóa dần sự e ngại, rụt rè. Mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên được tiếp cận với một nội dung mới như chăm sóc sức khỏe sinh sản, tìm hiểu tâm lý lứa tuổi dậy thì, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và cách phòng tránh, các biện pháp tránh thai, cách chia sẻ, tâm sự với con tuổi mới lớn… Đồng thời thảo luận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái từ những điều làm đúng đến những kiến thức, ứng xử sai lầm. Em Phạm Thị Kim Mỹ, thành viên CLB thổ lộ: Nhờ tham gia vào CLB giúp em mạnh dạn nói chuyện chia sẻ với mẹ về những thay đổi, tâm sinh lý hay mối quan hệ với bạn khác giới”. Qua tìm hiểu được biết, Ea Hiu là một trong 2 địa phương của huyện Krông Pắc được chọn thí điểm xây dựng mô hình CLB “Kết nối mẹ và con gái”, bởi nơi đây có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn còn… Vì vậy, CLB đã tạo sân chơi bổ ích, phù hợp và đáp ứng mong muốn của nhiều chị em nên thu hút các thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn.

Mỗi buổi sinh hoạt của CLB “Kết nối bố mẹ và con” (Chi hội Phụ nữ thôn 7, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar).
Mỗi buổi sinh hoạt của CLB “Kết nối bố mẹ và con” (Chi hội Phụ nữ thôn 7, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar).

Thực hiện Đề án 704 giai đoạn 2010-2015, năm 2013, Chi hội phụ nữ thôn 7 (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) được chọn làm điểm thành lập CLB “Kết nối giữa bố mẹ và con”. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ 3 tháng một lần, 52 thành viên của CLB được phổ biến Pháp lệnh Dân số, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống cho vị thành niên, thanh niên; vận động gia đình hội viên thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Anh Phạm Văn Huệ, thành viên CLB thổ lộ: “Tham gia sinh hoạt CLB đều đặn nên vợ chồng tôi ngày càng hiểu, cảm thông, chia sẻ, đỡ đần nhau trong cuộc sống và biết cách dạy dỗ con phù hợp. Vì thế, 2 con trai luôn vâng lời bố mẹ và học tập tiến bộ”. Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm CLB và các thành viên còn tích cực tham gia hòa giải các vụ mâu thuẫn, bạo lực gia đình; đóng góp quỹ được 3,5 triệu đồng cho thành viên khó khăn vay phát triển kinh tế. Theo bà Nguyễn Thị Mạo, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 7, qua sinh hoạt CLB, giúp bố mẹ và con cái biết cách lắng nghe và hiểu nhau hơn. Từ đó, các em dễ dàng tâm sự những điều thầm kín của tuổi mới lớn, những khúc mắc trong mối quan hệ bạn bè, chuyện học hành; bố mẹ cũng có những định hướng đúng đắn cho sự phát triển của con.

Phát huy vai trò của Hội phụ nữ

Hai CLB kể trên đều là những mô hình điểm của Đề án 704. Để các mô hình phát huy hiệu quả, Hội phụ nữ các cấp đã tập trung triển khai tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiên cứu, soạn thảo chuyên đề, câu hỏi trắc nghiệm, hướng dẫn Ban Chủ nhiệm CLB tổ chức sinh hoạt phù hợp với thực tế địa phương. Nhờ vậy, từ khi triển khai (năm 2011) đến nay, các mô hình, CLB thuộc Đề án 704 đã mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo gia đình tham gia.

Trong 5 năm (2011-2015), thực hiện Đề án 704, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền kiến thức, phương pháp nuôi dạy con tốt, xây dựng hạnh phúc gia đình cho gần 405 nghìn lượt ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi; thành lập được 214 mô hình, câu lạc bộ “Gia đình nuôi, dạy con tốt”, “Người cha tốt của con”, “Kết nối bố mẹ và con”, “Kết nối mẹ và con gái” với sự tham gia của 7.346 ông bố, bà mẹ và các con; duy trì  6.231 tổ, nhóm sinh hoạt tại các chi, tổ hội về các chủ đề “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, thu hút hàng nghìn hội viên, phụ nữ tham gia… Với các đối tượng là trẻ vị thành niên, Hội đã mở các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp giúp các em có thêm kiến thức về tiền hôn nhân, phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại tình dục... Đến nay, 100% Hội LHPN các huyện, thị xã thành phố được cung cấp tài liệu, cẩm nang cho cộng tác viên và tài liệu truyền thông cho cộng đồng; tất cả cán bộ chuyên trách Hội LHPN các địa phương được tập huấn, cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng tài liệu truyền thông về những nội dung nói trên.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá: “Việc triển khai thực hiện Đề án 704 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp phụ nữ, góp phần chuyển đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ em hư, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.   

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.