Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Cư M'gar tích cực góp sức xây dựng nông thôn mới

11:02, 28/06/2016

Sau 5 năm (2011- 2015) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo các vùng nông thôn huyện Cư M’gar đã thực sự thay da đổi thịt. Góp phần vào thành tựu chung đó phải kể đến vai trò, sự chung tay, góp sức của cán bộ, hội viên phụ nữ.

Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông thẳng đẹp, chị H’Nháp Mlô, Chi hội trưởng Phụ nữ buôn Sah B (xã Ea Tul) chia vui: “Để hoàn thành tuyến đường này, cán bộ, hội viên phụ nữ buôn đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể, ban tự quản vận động gia đình, người thân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công”. Phát huy vai trò gương mẫu, chị H’Nháp đã bàn bạc, thống nhất với chồng con tự nguyện tháo dỡ bờ rào, chặt bỏ 35 cây cà phê thời kỳ kinh doanh, 10 cây ăn trái các loại để hiến 220 m2 đất, đóng góp ngày công và 500.000 đồng mở rộng, bê tông hóa tuyến đường nội buôn. Đồng thời, chị còn vận động nhiều hội viên trong buôn hiến đất mở rộng đường. Nhờ tuyên truyền, vận động hiệu quả, đến nay, buôn Sah B đã hoàn thành 6 tuyến đường bê tông. Điều đáng nói, không chỉ ở buôn Sah B, phong trào phụ nữ hiến đất, góp công làm đường đã lan tỏa sang nhiều thôn, buôn khác như Sah A, Phơng, Tu, Pơr, Knia, Thạch Hà…

Cán bộ Chi hội Phụ nữ buôn Sah B (xã Ea Tul) tuyên truyền, vận động người dân  trong buôn về chương trình xây dựng nông thôn  mới.
Cán bộ Chi hội Phụ nữ buôn Sah B (xã Ea Tul) tuyên truyền, vận động người dân trong buôn về chương trình xây dựng nông thôn mới.

 Tại xã Cư Dliê M’nông, từ năm 2012 đến nay, cứ vào ngày cuối tuần trong tháng, hội viên phụ nữ ở thôn Tân Lập lại tập trung ra quân thu gom rác thải và phát cỏ hai bên đường trên đoạn đường chi hội đảm nhận xây dựng “Đoạn đường phụ nữ tự quản”. Không chỉ tại thôn Tân Lập, mô hình này đã được xây dựng tại 16/16 chi hội thôn, buôn. Để triển khai đạt kết quả cao, Hội Phụ nữ xã đã chỉ đạo các chi hội xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, gắn với phần việc của phụ nữ trong xây dựng NTM ở địa phương. Nhờ vậy, việc tổ chức dọn dẹp vệ sinh khu vực nhà ở, đường sá được duy trì đều đặn, thường xuyên, qua đó, tình hình vệ sinh môi trường trên các tuyến đường đã được cải thiện rõ rệt, cảnh quan ngày càng sạch đẹp.

Qua phân tích, Hội LHPN huyện Cư M’gar nhận thấy các tiêu chí của Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” sát với các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM và gần gũi với đời sống hội viên. Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở phân công mỗi chi hội nhận đỡ đầu ít nhất 1 hộ thoát nghèo; huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho phụ nữ nghèo; thành lập các tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 82 tỷ đồng… Đối với tiêu chí không có trẻ em bỏ học, Hội đã ký kết liên tịch với ngành Giáo dục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đưa 65 em bỏ học trở lại trường. Để thực hiện tiêu chí 3 sạch, các cơ sở hội đã vận động 247 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đào hố và tận dụng các vật liệu sẵn có làm nhà vệ sinh; giúp nhau đào hầm cầu, hố xử lý rác thải; thành lập 7 mô hình thu gom rác thải, 60 “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, 4 mô hình “Buôn tôi sạch – đẹp”. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động 335 hội viên hiến đất làm đường; đóng góp trên 6,5 tỷ đồng và hơn 10.000 ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn, sân thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng... Đến cuối năm 2015, Hội LHPN huyện Cư M’gar có 21.347/26.093 hộ gia đình hội viên đạt 8 tiêu chí 5 không và 3 sạch, góp phần thực hiện xây dựng NTM.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hà Thị Hương cho biết, đến nay huyện đã có 3 xã đạt 19 tiêu chí, 4 xã đạt 15-18 tiêu chí, 8 xã đạt 10-14 tiêu chí. Để góp phần thực hiện mục tiêu đạt huyện NTM vào năm 2020, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn liền xây dựng NTM và đô thị văn minh bằng nhiều hoạt động, chương trình phù hợp với đặc thù từng cơ sở nhằm tập hợp các tầng lớp phụ nữ tham gia.      

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.