Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên: Cần hơn nữa vai trò của gia đình
Trong thời kỳ hội nhập, với sự “nở rộ” của các loại văn hóa phẩm, lối sống phóng khoáng của giới trẻ ngày nay, vị thành niên (VTN) sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục… Vì thế, hơn lúc nào hết, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho VTN, thanh niên cần được quan tâm đúng mức từ các cấp, ngành và nhất là những bậc cha mẹ.
Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 nghìn ca phá thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Còn theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ này ở VTN, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai ở các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, những con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi hầu hết các đối tượng thanh niên chưa kết hôn, VTN mang thai ngoài ý muốn khi muốn thực hiện nạo hút thai đều tìm đến các phòng khám tư, những địa chỉ “tin cậy” để được giữ bí mật cá nhân. Với Đắk Lắk, tình trạng VTN, thanh niên chưa kết hôn mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai cũng diễn ra hết sức phức tạp.
Cán bộ dân số thị trấn Ea Kar tư vấn về sức khỏe sinh sản cho thanh niên trên địa bàn. |
Trước thực trạng này, để nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của VTN, thanh niên trong việc tự bảo vệ nâng cao sức khoẻ bản thân, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ. Mô hình đầu tiên phải kể đến là mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” với mục tiêu nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho các nhóm đối tượng, nhất là VTN, thanh niên về Luật Hôn nhân và gia đình, tầm quan trọng của CSSKSS... Qua đó đã từng bước làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở các địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thành công bước đầu của mô hình, năm 2012, mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh với 40 câu lạc bộ tiền hôn nhân được thành lập tại 20 xã của TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Ea Kar, Krông Năng và Krông Pắc. Các câu lạc bộ này là cầu nối giúp các VTN, thanh niên trên địa bàn có điều kiện giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến SKSS, KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS cũng như các vấn đề cần biết trước khi kết hôn... từ đó có suy nghĩ đúng, hình thành các mối quan hệ lành mạnh, trong sáng về tình bạn, tình yêu và hôn nhân gia đình; nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, tự nguyện chủ động đến cơ sở y tế kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi kết hôn để được phát hiện sớm, điều trị, phòng ngừa các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trước khi lập gia đình, sinh con. Em Nguyễn Thị Bình (18 tuổi), thành viên Câu lạc bộ Tiền hôn nhân xã Ea Kmút, huyện Ea Kar chia sẻ: “Ban đầu tham gia câu lạc bộ em rất ngại ngùng vì Ban chủ nhiệm toàn nói đến những chuyện tế nhị, khó nói của con gái. Nhưng dần dần em đã quen và thấy những kiến thức ấy rất hữu ích cho em trong việc CSSKSS của bản thân”. Còn em Trần Thị Nhung ở thôn 2, xã Ea Knốp cho rằng: “Nhờ tham gia câu lạc bộ mà em đã hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến SKSS, chuẩn bị tâm lý, hành trang và kỹ năng sống cho bản thân”.
Ngoài 2 mô hình trên, năm 2013, ngành Y tế còn phối hợp với ngành Giáo dục, Đoàn thanh niên triển khai mô hình sinh hoạt ngoại khóa tại 15 trường Trung học phổ thông ở 15 huyện, thị xã, thành phố để tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về SKSS VTN, tư vấn và giải đáp thắc mắc của các em học sinh về những thay đổi tâm lý, sinh lý ở tuổi dậy thì, cách phòng tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân, hậu quả của nạo phá thai... Mặt khác tăng cường đưa các thông tin về SKSS, tình dục, giới tính trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thậm chí cả trên các trang mạng xã hội, tạo các diễn đàn để các em tự làm chủ, tự chia sẻ những thông tin bổ trợ cho nhau về giới tính, sức khỏe sinh sản.
Tuy vậy thực tế cho thấy, mặc dù đã có sự vào cuộc của các ngành chức năng và các tổ chức xã hội liên quan, song việc cung cấp kiến thức về CSSKSS cho lứa tuổi học đường ở trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng lưu ý là còn thiếu sự vào cuộc của gia đình, cụ thể là các bậc cha mẹ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong khi đó cha mẹ là người đầu tiên phát hiện được sự trưởng thành về mặt sinh lý của con mình. Hiện nay, còn không ít bậc phụ huynh thiếu kiến thức về SKSS, mang nặng tâm lý e ngại, thiếu sự chủ động trong việc giáo dục giới tính cho con.
Thiết nghĩ, tuyên truyền CSSKSS cho VTN, thanh niên là việc làm cần thiết nhằm giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ ràng hơn về SKSS, trang bị kỹ năng sống cũng như cách bảo vệ bản thân trước những nguy cơ. Vì vậy, ngoài vai trò của các cấp, ngành, nhà trường và xã hội, cần hơn nữa vai trò của gia đình, nhất là các bậc cha mẹ để giúp các em có nhận thức đúng đắn về CSKKSS, tự tin trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Kim Oanh – Võ Thảo
Ý kiến bạn đọc