Multimedia Đọc Báo in

Ea Chai hết cảnh… "qua sông lụy đò"

09:32, 25/07/2016

Từ ngày cầu treo thôn 6 (Ea Chai), xã Bình Hòa, huyện Krông Ana hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân nơi đây hết cảnh “qua sông lụy đò” tồn tại cả mấy chục năm nay.

Cầu treo Ea Chai là một trong số 9 cầu của tỉnh Đắk Lắk được triển khai theo Đề án xây dựng cầu treo dân sinh ở 28 tỉnh, thành miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Ngay khi có chủ trương làm cầu, chính quyền địa phương nhận thấy đây là cơ hội để xóa bỏ bến đò Ea Chai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Nguồn kinh phí xây dựng cầu được Bộ Giao thông Vận tải cấp, còn công tác giải phóng mặt bằng và làm đường 2 đầu cầu thuộc địa phương, do vậy, ngay từ đầu chính quyền đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy mạnh giải phóng, bàn giao mặt bằng để công trình sớm được triển khai, xây dựng đúng tiến độ.

Cầu Ea Chai hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Cầu Ea Chai hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

 Do điều kiện địa lý, từ lâu, thôn Ea Chai được biết đến như là một khu dân cư bị cô lập, tách biệt với trung tâm hành chính xã và các thôn, buôn khác trên địa bàn, bởi thôn nằm phía bên kia sông Krông Na. Thôn Ea Chai có 174 hộ, hơn 700 nhân khẩu, 2 phân hiệu của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Trường Mầm non Hoa Mai đứng chân trên địa bàn, với khoảng 100 học sinh.  Ngoài ra, trung bình mỗi năm có khoảng 40 học sinh cấp 2, 3 từ Ea Chai hằng ngày phải qua sông đến các điểm trường trung tâm xã và huyện nên việc đi lại , sinh hoạt, học tập và sản xuất của người dân đều phải qua đò nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn giao thông rất cao. Tại bến đò Ea Chai đã từng xảy ra một vụ tai nạn đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của một học sinh cấp 2, đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của người dân nơi đây.

Trước đây, việc đi lại của người dân đều phụ thuộc vào những chuyến đò không mấy an toàn của một số hộ dân sở tại, nên cuối tháng 9-2014, từ nguồn ngân sách tỉnh, xã Bình Hòa được đầu tư thêm một thuyền gắn máy phục vụ chở giáo viên, học sinh và người dân qua sông, nhưng vào những lúc cao điểm đến lớp, tan trường cả thầy trò đều phải chờ đợi, xe cộ phải gửi lại bên kia bờ, rất phiền hà. Còn việc lưu thông hàng hóa, nông sản khó khăn, đây cũng là cơ hội để tư thương ép giá… Giờ đây, việc giao thương đi lại của người dân đã thuận lợi hơn nhiều, ước mơ của bà con đã trở thành hiện thực, cầu Ea Chai hoàn thành góp phần nối thôn liền thôn, nối Ea Chai gần hơn với trung tâm xã và các vùng lân cận. Bà Nguyễn Thị Lệ (người dân thôn 1) chia sẻ, thôn 1 và thôn Ea Chai chỉ cách nhau mấy chục mét đường sông, nhưng khi chưa có cầu thì cách trở như hàng chục cây số. Bạn bè, bà con của bà ở Ea Chai rất nhiều, nhưng hiếm khi có dịp qua lại thăm nhau vì ai cũng ngại đi đò. Có cầu mới, khoảng cách ấy chỉ tính bằng bước chân, không chỉ bà mà tất cả người dân nơi đây đều vui mừng, phấn khởi. Cùng chung niềm vui, bà Hoàng Thị Xí (thôn 1) không giấu được cảm xúc, cứ ngỡ suốt đời này người dân Ea Chai và các thôn lân cận mãi phụ thuộc vào các chuyến đò tròng trành theo sóng nước, giờ có cầu mới rồi, việc đi lại của bà con dễ dàng, thuận tiện và an toàn hơn rất nhiều.

Càng ý nghĩa hơn, Ea Chai là vùng đất có diện tích trồng lúa nước với gần 2.000 ha. Khi cầu chưa hoàn thành, mỗi lần vào vụ thu hoạch, nếu gặp mưa kéo dài thì bà con nông dân đứng ngồi không yên, phần vì lo không thuê được nhân công, phần sợ nước sông dâng cao, không vận chuyển được lúa về nhà, do đó,  đã có không ít hộ dân nhà gần trung tâm xã, có đất trồng lúa bên Ea Chai đã bán tháo cho người khác… Trưởng thôn Ea Chai Phạm Xuân Phận cho hay, ông tin tưởng rằng cầu xây xong, đường 2 đầu cầu được kết nối, điều kiện đi lại, sản xuất của bà con sẽ thêm phần dễ dàng, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhất là tiềm năng, thế mạnh của cây lúa nước ở đây càng được nhiều người biết đến.  

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.