Multimedia Đọc Báo in

Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng qua tổng rà soát theo Chỉ thị 23/CT-TTg

15:49, 27/07/2016
Qua tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công (NCC) với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 theo Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 444 trường hợp kê khai có tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được xác nhận NCC để hưởng chế độ. 
 
Để giải quyết kịp thời các trường hợp này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tổng hợp, phân loại hồ sơ (HS) theo nhóm đối tượng (thương binh, liệt sỹ, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thanh niên xung phong…) và phân loại theo nhóm HS: đủ điều kiện theo quy định hiện hành, thiếu giấy tờ, không còn giấy tờ… Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, từng ngành, địa phương tập trung giải quyết số HS trên. Qua phân loại có 77 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh, 14 trường hợp xác nhận bệnh binh, 7 trường hợp công nhận liệt sỹ, 55 trường hợp đề nghị công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 30 trường hợp đề nghị giải quyết chế độ NCC giúp đỡ cách mạng, 2 trường hợp đề nghị giải quyết chế độ chế độ trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, 7 trường hợp đề nghị tặng thưởng huân, huy chương, 116 trường hợp đề nghị giải quyết chế độ thanh niên xung phong, 16 trường hợp đề nghị công nhận người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 120 trường hợp đề nghị giải quyết các chế độ theo Quyết định 142, 290, 62 của Thủ tướng Chính phủ. 
 Nhân viên Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) đang rà soát hồ sơ tồn đọng.  Ảnh: Nguyên Hoa
Nhân viên Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) đang rà soát hồ sơ tồn đọng. Ảnh: Nguyên Hoa

Từ kết quả phân loại trên, các ngành chức năng đã xem xét hướng dẫn các đối tượng thiết lập HS để giải quyết chế độ. Đến nay, tỉnh đã ban hành quyết định giải quyết chế độ đối với 106 trường hợp, gồm: 1 HS thương binh, 23 HS NCC giúp đỡ cách mạng, 3 HS nhiễm chất độc hóa học, 4 HS người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 2 HS trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, 3 HS hưởng trợ cấp tiền tuất NCC, 24 HS thanh niên xung phong, 2 HS hưởng chế độ theo quyết định 290/QĐ-TTg, 12 HS hưởng chế độ theo Quyết định 142/QĐ-TTg và 32 HS hưởng chế độ theo Quyết định số 62/QĐ-TTg.

Toàn tỉnh có 444 trường hợp khai có tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được xác nhận NCC để hưởng chế độ. Đã giải quyết chế độ 106 trường hợp; hoàn thiện HS 56 trường hợp; hướng dẫn 145 trường hợp thiết lập HS; 123 trường hợp chưa đủ cơ sở để hướng dẫn thiết lập HS; 14 trường hợp chết, chuyển đi nơi khác.  

Cùng với đó, các ngành chức năng đã hoàn thiện HS nộp các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết chế độ đối với 56 trường hợp, gồm 10 HS thương binh, 3 HS nhiễm chất độc hóa học, 3 HS người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 7 HS NCC giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương, 23 HS thanh niên xung phong,  3 HS hưởng chế độ theo quyết định 142/QĐ-TTg và 7 HS hưởng chế độ theo Quyết định số 62/QĐ-TTg. Đồng thời hướng dẫn 145 trường hợp thiết lập hồ sơ (43 thương binh, 3 liệt sỹ, 11 bệnh binh, 4 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 40 người nhiễm chất độc hóa học, 40 thanh niên xung phong, 4 HS hưởng chế độ theo quyết định 142/QĐ-TTg). Việc giải quyết chế độ cho 145 trường hợp này gặp nhiều khó khăn do chưa được đầy đủ giấy tờ theo quy định hiện hành (thiếu giấy tờ gốc, chỉ có người làm chứng, giấy tờ không đầy đủ…). Đối với 123 trường hợp không có giấy tờ nên chưa đủ cơ sở để hướng dẫn thiết lập hồ sơ; còn 14 trường hợp chết, chuyển đi nơi khác. 

Hầu hết các trường hợp còn lại chưa được giải quyết chế độ trong đợt rà soát này là do không đủ điều kiện theo các văn bản quy định hiện hành, vì không còn giấy tờ gốc hoặc có giấy tờ nhưng không thể hiện rõ địa bàn hoạt động, đơn vị, trường hợp bị thương hoặc hy sinh. Bên cạnh đó, Trung ương cũng chưa có văn bản hướng dẫn để giải quyết chế độ đối với những trường hợp này, vì vậy khi thiết lập HS gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, một số đối tượng không thể giải quyết được. Ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) cho biết: “Để không thiệt thòi quyền lợi của đối tượng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp kiểm tra, xem xét những trường hợp đã và đang thiết lập HS nếu đủ điều kiện thì giải quyết chế độ kịp thời, nếu không đủ điều kiện, hướng dẫn, trả lời để người dân rõ. Các trường hợp còn vướng, chưa đủ cơ sở kết luận, tổng hợp danh sách trình cấp có thẩm quyền; đồng thời có văn bản kiến nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế đặc thù để giải quyết dứt điểm số HS tồn đọng trên, phấn đấu hoàn thành trước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2017)”.
 
Nguyên Lý
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.