Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứu sống bé trai nguy kịch do rắn độc cắn

17:18, 04/08/2016

Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa cứu sống một bé trai người H’mông bị rắn độc cắn, rơi vào tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhi là cháu Dương Văn D., 3 tuổi ở thôn 20, xã Đắk Rông, huyện Cư Jút (Đắk Nông), bị rắn cắn vào ngón tay khi cùng bố mẹ lên rẫy. Sau khi rắn cắn, cháu bị khó thở, hôn mê, được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Jút và tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Khi vào khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, cháu D. ở trong tình trạng hôn mê sâu , thở theo bóp bóng, da tái nhạt, đồng tử 2 bên giãn to, phản xạ ánh sáng kém, cả bàn tay sưng nề. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn – hô hấp, sau đó các chức năng sống của bệnh nhân quay trở lại.

Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đang chăm sóc tích cực cho bệnh nhi trong lúc nguy kịch
Các điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc chăm sóc tích cực cho cháu D. trong lúc nguy kịch. Ảnh: Hồng Nhựt

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Nghe người nhà bệnh nhân mô tả về hình dáng của con rắn, chúng tôi nhận định đó là loại rắn hổ rất độc, nếu không tìm ra huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để giải độc thì khả năng bệnh nhân tử vong rất cao. Sau khi khai thác bệnh sử và thăm khám kỹ lưỡng về lâm sàng, chúng tôi quyết định thăm dò dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Với liều kháng huyết thanh rắn hổ đất đầu tiên, bệnh nhân có nhịp tự thở trở lại, tri giác trên lâm sàng khá hơn.

Trước diễn biến lâm sàng cải thiện tốt, các bác sĩ đã dùng thêm huyết thanh kháng nọc rắn như trên đa liều cho bệnh nhi. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện qua nhiều chuyên khoa để giải quyết các biến chứng do nọc độc rắn gây ra, đến nay cháu D. đã khỏe mạnh, xuất viện .

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.