Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò "bà đỡ" giúp hội viên phát triển kinh tế

21:00, 29/09/2016

Để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển sản xuất, Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể gắn với vận động phụ nữ thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương…

Nhờ đó, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều những cá nhân, tập thể điển hình trong phát triển sản xuất, vượt khó vươn lên làm giàu.

Nhiều điển hình phát triển kinh tế

Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Toàn Thịnh ở thôn Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk là điển hình trong việc phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ. Hiện HTX đang quản lý 13 ha rau với 43 hộ hội viên tham gia, trong đó có 10 ha của 40 hộ dân được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Từ khi thành lập (năm 2009) đến nay, HTX luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar và thị trấn Ea Pốk. Chị Đinh Thị Lý, Phó Chủ nhiệm HTX cho hay, trước đây việc sản xuất rau của bà con trong vùng còn manh mún, mạnh ai nấy làm nên năng suất kém, đầu ra thiếu ổn định. Sau khi tham gia vào HTX, được Hội Phụ nữ huyện, thị trấn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nên việc sản xuất rau đỡ vất vả hơn. Đầu ra của sản phẩm được thị trường ưa chuộng hơn, một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh thu mua giúp các hội viên tăng thu nhập. Hiện các hộ hội viên HTX đã không còn hộ nghèo.

Nhờ tham gia HTX rau an toàn Toàn Thịnh, kinh tế gia đình bà Huỳnh Thị Hồng  đã từng bước phát triển ổn định.
Nhờ tham gia HTX rau an toàn Toàn Thịnh, kinh tế gia đình bà Huỳnh Thị Hồng đã từng bước phát triển ổn định.

Trước đây, gia đình chị H’Bop Ayun, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Huk A, xã Cư M’gar thuộc diện nghèo. Năm 2008 chị được Hội Phụ nữ xã Cư M’gar cho vay 2 triệu đồng từ nguồn quỹ tiết kiệm của Hội, đồng thời đứng ra tín chấp cho chị vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 2 con dê giống về nuôi. Mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con, nhờ đó kinh tế gia đình chị cũng dần ổn định. Từ năm 2012 đến nay, chị đã cho 17 hộ phụ nữ nghèo trong buôn mượn dê và vay 60 triệu đồng không lãi suất để làm vốn khởi nghiệp. Hiện đã có 5 hộ thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của chị H’Bop.

Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar cho biết trong 5 năm qua, các cấp hội trên địa bàn huyện đã phối hợp và tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho trên 5.000 hội viên phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ lên đến 92 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp hội còn tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động tiết kiệm được trên 2 tỷ đồng giúp đỡ hàng trăm phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đa dạng các hoạt động hướng về cơ sở

Theo bà Hà Thị Hương, nhờ đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn gắn với quyền và lợi ích thiết thực cho chị em hội viên, những năm qua, công tác xây dựng, phát triển, củng cố tổ chức hội được phát huy, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi tới toàn thể cán bộ, hội viên trên địa bàn huyện.

Nổi bật là các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cuộc vận động “Phụ nữ tìm hiểu pháp luật”; “Phụ nữ dân tộc sống vui, sống khỏe”; “Cha mẹ giáo dục con tuổi vị thành niên”… đã được triển khai rộng rãi và đang phát huy hiệu quả tích cực. Theo đó, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức; cụ thể hóa các nội dung phù hợp với đặc điểm địa phương, đơn vị; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện; gắn với các phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi…

Trong 5 năm qua, các tổ chức hội trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện, vận động hội viên giúp đỡ nhau trên 500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện xuống còn 12,4% năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm 3%). Mục tiêu của Hội Phụ nữ huyện trong thời gian tới là phấn đấu mỗi năm có 100% hội viên phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; mỗi năm giúp 3% trở lên hội viên nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.