Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động nhân đạo

10:23, 23/12/2016

Những năm qua, bằng việc triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, bám sát cơ sở, hoạt động của các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trên địa bàn tỉnh đã khẳng định rõ nét vai trò “cầu nối” nhân đạo trong đời sống xã hội ở địa phương, giúp hàng trăm nghìn lượt người nghèo, người yếu thế vươn lên trong cuộc sống…

Chăm lo sinh kế cho người nghèo

Xác định hoạt động nhân đạo là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội, nhiệm kỳ 2011-2016, Hội CTĐ các cấp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo, trợ giúp các đối tượng khó khăn, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Hằng năm, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh góp sức cho phong trào chăm lo “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; chương trình “Nâng cánh ước mơ”... Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động được gần 51,5 tỷ đồng, trợ giúp trên 179 nghìn lượt hộ nghèo và nạn nhân chất độc cam, tăng 2,6 lần so với nhiệm kỳ trước; trợ giúp thường xuyên gần 12 nghìn lượt địa chỉ khó khăn với tổng trị giá trên 13,4 tỷ đồng; vận động xây dựng 35 căn nhà, trao 69 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi trị giá gần 2,9 tỷ đồng.

Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương  Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Lê Xuân Hồng tặng quà cho người dân buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Lê Xuân Hồng tặng quà cho người dân buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Cùng với đó, những mô hình hỗ trợ sinh kế mang tính bền vững cho người nghèo trên địa bàn cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ như: nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, trợ táng, thùng tiền nhân đạo... Đặc biệt, chương trình “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động đã được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các xã nghèo, biên giới. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ người dân 256 con bò, trị giá gần 3 tỷ đồng (đạt 250% so với kế hoạch Trung ương giao). Hiện một số địa phương vẫn duy trì và triển khai chương trình lâu dài để giúp người nghèo có cơ hội phát triển kinh tế.

Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Song song với công tác vận động, trợ giúp nhân đạo, các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh cũng đạt nhiều kết quả thiết thực trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cụ thể, Hội đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan trong tỉnh tổ chức nhiều đợt khám bệnh, tặng quà, phát thuốc miễn phí cho trên 160 nghìn lượt người nghèo ở vùng sâu, vùng xa với tổng trị giá gần 18,4 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2013-2014, Hội đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Long An Segaero Hàn Quốc tổ chức khám cho 120 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh, qua đó phẫu thuật cho 16 trường hợp (trong đó có 5 trường hợp phẫu thuật tại Hàn Quốc), với tổng kinh phí gần 3,2 tỷ đồng. 

Hiến máu tình nguyện là một trong những phong trào tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Hiến máu tình nguyện là một trong những phong trào tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.

 

Trong nhiệm kỳ 2011-2016, tổng trị giá các hoạt động công tác Hội đạt trên 240 tỷ đồng, tăng 149,7 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, hằng năm, Hội CTĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với tổ chức các đợt hiến máu tình nguyện. Qua tuyên truyền vận động, hoạt động hiến máu tình nguyện đã phát triển nhanh, mạnh trong cộng đồng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng. Trong giai đoạn từ năm 2011-2016, toàn tỉnh đã tổ chức được 310 đợt hiến máu tình nguyện, thu hút 64.500 lượt người tham gia và tiếp nhận được 56.111 đơn vị máu (đạt 122,8% chỉ tiêu) chuyển cho ngành y tế phục vụ công tác cấp cứu và điều trị người bệnh. Chỉ tính riêng chương trình Hành trình đỏ “Kết nối dòng máu Việt” do Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện Quốc gia tổ chức trong dịp hè nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu trong thời gian cao điểm, Đắk Lắk tham gia 3 năm đều đạt kết quả cao (3.644/2.600 đơn vị chỉ tiêu), được Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế đánh giá cao.

Để tiếp tục sứ mệnh “cầu nối” các chương trình nhân đạo, trong thời gian tới, các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh sẽ không ngừng kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội; nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên; tiếp tục thực hiện 4 ưu tiên chiến lược, đặc biệt là công tác xã hội nhân đạo, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả các thách thức, tình huống trong công tác nhân đạo nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.                 

Nguyễn Thị Phi Thảo

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.