Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh trên dòng Sêrêpôk

17:43, 29/01/2017

Sêrêpôk không chỉ là dòng sông huyền thoại về văn hóa Tây Nguyên mà đây còn là nơi mưu sinh của nhiều người dân 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Và trong những chuyến mưu sinh ấy, không ít lần các ngư phủ bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng để cứu người gặp nạn trên sông.

Lênh đênh sông nước…

Được hợp lưu bởi hai dòng Krông Knô và Krông Ana bắt nguồn từ Nam Trường Sơn, sông Sêrêpôk có chiều dài 315 km (phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 125 km). Sêrêpôk không đổ thẳng ra biển Đông như nhiều dòng sông khác mà chảy ngược sang Campuchia trước khi hợp vào dòng Mêkông, xuôi về miền Tây Nam Bộ rồi mới hòa vào biển lớn.

Theo chân những người có thâm niên làm nghề đánh bắt cá trên dòng Sêrêpôk, tôi có dịp được nghe kể về những điều thú vị trong hành trình mưu sinh của họ. 5 giờ sáng, xuất phát từ bến đò dân sinh tại thôn 12, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), con đò tròng trành theo sóng nước của ông Nguyễn Văn Thủy (tên thường gọi là Cò, năm nay đã 50 tuổi) và ông Lê Văn Kiếm đưa chúng tôi xuôi theo hướng cầu 14, rồi sang bên kia bờ phía tỉnh Đắk Nông. Dọc hai bờ sông vào thời điểm này có một số ngư dân kéo mẻ lưới muộn của ngày hôm qua, với thành quả là những mẻ cá sông tươi roi rói, còn nhảy đành đạch,  với đủ loại cá: lăng, bống, mè, trắm, trôi, có khi có cả cua, ốc… 

Ông Lê Văn Kiếm thả lưới trên dòng Sêrêpôk.
Ông Lê Văn Kiếm thả lưới trên dòng Sêrêpôk.

Ông Thủy bộc bạch, 50 tuổi đời nhưng ông không nhớ gắn bó với nghề thả lưới giăng câu bên dòng Sêrêpôk từ khi nào, chỉ biết ngay từ nhỏ ông đã theo bố ngồi đò đi đánh bắt cá trên sông. Khi đó, cá nhiều vô kể, mỗi ngày có thể bắt được 30 - 50 kg là chuyện bình thường. Sau những chuyến đi đó, ông thấy thêm yêu nghề sông nước và gắn bó cho đến nay. Đối với những khúc sông ở gần nhà, hằng ngày họ thường thả lưới từ 3 giờ chiều rồi về nhà nghỉ ngơi, tầm 2 - 4 giờ sáng hôm sau là thời điểm kéo lưới. Ở đoạn sông xa nhà, những người thả lưới thường đi từ 9 giờ đêm và ở lại trên đò cho đến giờ kéo lưới lên. Sản phẩm bắt được nếu là các loài cá thông thường như mè, trắm, trôi, bống nhỏ thì người dân thường đem ra các chợ Hòa Phú, Duy Hòa để bán. Đối với các loại cá có giá trị cao như lăng, chình, tra thì điện thoại ngã giá với các chủ nhà hàng ăn uống ở Buôn Ma Thuột, thậm chí ở tận TP. Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, khi các loại cá ít dần, cùng với việc ngăn dòng của thủy điện, mỗi chuyến đò về có khi chỉ được 5 - 7 kg cá tạp, thậm chí chỉ được chục ký cua, ốc đủ chi phí mua dầu chạy đò. 

Ở tuổi lục tuần, ông Lê Văn Kiếm (thường gọi Ba Kiếm) cùng ngụ xã Hòa Phú đã gắn bó với sông nước Sêrêpôk hơn 40 năm nay. Ông kể, năm 13 tuổi, ông theo cha mẹ đến Buôn Ma Thuột sinh sống (trước đây là xã Thọ Thành, thị xã Buôn Ma Thuột). Quê gốc ở Tuy Hòa (Phú Yên) nên nghề biển đã “thấm sâu” vào con người ông ngay từ thuở nhỏ. Lên Đắk Lắk, nhà chỉ cách sông Sêrêpôk chừng 1 cây số, hằng ngày ông chèo đò ra sông kiếm cá, lúc đầu chỉ để cải thiện bữa ăn trong gia đình, hôm nào bắt được nhiều cá thì bán lấy tiền mua gạo, trang trải cuộc sống hằng ngày. Từ ngày còn trai tráng khỏe mạnh cho đến giờ đầu hai thứ tóc, đánh cá trên sông Sêrêpôk vẫn là nghề chính, niềm đam mê của ông. Dáng người nhỏ thó, đôi mắt sâu và nước da đậm màu, trên con thuyền độc mộc, mọi cử chỉ, thao tác thả, kéo lưới của ông vẫn nhanh nhẹn, thoăn thoắt không kém những người trẻ tuổi. Những lúc ê ẩm trong người, thay vì đi giăng lưới qua đêm, ông thường rủ mấy người bạn thân thiết thả câu dọc bờ sông vừa câu cá vừa giải trí, hàn huyên chuyện trò.

…Và câu chuyện nhân văn

Không chỉ là mưu sinh kiếm sống, những người làm nghề đánh bắt thủy sản trên dòng Sêrêpôk không ít lần ra tay cứu người. Còn nhớ vào năm 2012, anh Lê Văn Hiệu, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vinh danh gương quần chúng về xây dựng và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong những lần cứu người của anh Hiệu, đáng nhớ nhất là lần cứu nạn trong vụ xe khách bị rơi xuống sông Sêrêpôk trong năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Thủy kể lại chuyện cứu người trên sông Sêrêpôk.
Ông Nguyễn Văn Thủy kể lại chuyện cứu người trên sông Sêrêpôk.

 

Ông TRỊNH BÁ SƠN, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, Sêrêpôk có khoảng 201 loài cá, trong đó 67 loài có giá trị kinh tế cao. Theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT về việc công bố các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển thì ở Đắk Lắk có 7 loài cá nằm trong danh sách đỏ, chủ yếu phân bố ở sông Sêrêpôk gồm: ngựa xám, duồng, chiên lăng, sọc dưa, sấu xiêm, mõm trâu và thát lát khổng lồ.

Cũng như anh Hiệu, những người thả lưới giăng câu trên dòng sông huyền thoại này luôn sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn mỗi khi có tình huống xảy ra trên sông. Ông Ba Kiếm bảo, mỗi lần thả lưới hoặc câu cá trên sông, thấy tập trung đông người, chưa rõ chuyện gì, dù là đuối nước hay những vụ quyên sinh vì sự bế tắc trong cuộc sống, theo linh tính của ông là có chuyện chẳng lành, thế là vứt đò, bỏ lưới, lập tức đến khu vực đó để xem tình hình. Không nhớ rõ bao nhiêu vụ nhảy cầu, ông và những người bạn của mình đã bất chấp nguy hiểm lặn mình dưới dòng sông cuồn cuộn chảy để cứu người. 

Còn đối với ông Thủy, trên những chuyến mưu sinh của mình, ông nhớ nhất là 2 lần cứu người thoát khỏi “miệng hà bá” trên dòng sông này. Cách đây chừng 5 năm, 2 em học sinh lớp 8 trú tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) trong lúc tắm sông không may sảy chân bị nước cuốn trôi. Lúc đó, ông đang đánh cá cách khu vực các em đuối nước khoảng 500 mét, nghe thấy tiếng kêu cứu ông đã bơi đến kịp thời cứu được một em. Mới đây nhất vào khoảng tháng 8-2016 là trường hợp một phụ nữ chừng 35 tuổi nhảy cầu tự vẫn, nghe người dân hô hoán, ông cùng với anh Hiệu đã nhanh chóng người chèo thuyền, người bơi đến để cứu vớt kịp thời... 

Điều làm cho những người đánh cá này trăn trở là liệu còn tiếp tục theo nghề bao lâu, bởi ảnh hưởng của các công trình thủy điện đối với nguồn thủy sản trên dòng sông Sêrêpôk!? 

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.