Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng văn hóa đọc từ tủ sách "cho và nhận"

07:45, 08/01/2017

Năm 2015, Tủ sách hướng nghiệp - hướng thiện của Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và hướng nghiệp Thành Nhân (địa chỉ 119/8  Nguyễn Văn Cừ, TP. Buôn Ma Thuột) ra đời.

Người khởi xướng mô hình này là chị Nguyễn Thị Yến, Giám đốc Trung tâm. Ban đầu, tủ sách có khoảng 50 đầu sách các loại, cạnh đó, có kê thêm vài chiếc bàn, ghế để mọi người có thể đến đọc tại chỗ. Để có nguồn sách, chị  đi  vận động quyên góp trong và ngoài tỉnh, rồi bỏ tiền ra mua sắm tủ, kệ về sắp xếp sách một cách cẩn thận. Tủ sách được đặt ở một phòng riêng ở vị trí thuận lợi tại trung tâm để hằng ngày, mọi người có thể đến đọc sách. Chị Yến cho hay, Trung tâm luôn mong có người đến đọc sách và khuyến khích mọi người khi lấy đi một quyển sách thì để lại một quyển khác như một hình thức trao đổi. Việc đổi sách tại tủ đơn giản chỉ muốn chia sẻ cơ hội đọc những điều thú vị với mọi người, bởi trên thực tế, đâu phải ai cũng có tiền mua sách.

Tủ sách miễn phí đã thu hút nhiều bạn trẻ đến đọc và trao đổi sách.
Tủ sách miễn phí đã thu hút nhiều bạn trẻ đến đọc và trao đổi sách.

 Là mô hình khá mới mẻ tại TP. Buôn Ma Thuột, tủ sách phục vụ miễn phí và duy trì nhờ ý thức tự giác của mọi người. Ban đầu chị cứ lo nguồn sách không đủ để đáp ứng nhu cầu của người đọc, thế nhưng, khi vận động, được mọi người hưởng ứng nhiệt tình, nhất là các bạn học sinh, sinh viên. Người đến cho sách cũ cũng nhiều và người đến nhận cũng đông. Một số người thì đến đọc tại chỗ. Cứ như thế, gần 2 năm nay, tủ sách hướng nghiệp - hướng thiện của Trung tâm lại tiếp tục đón những tấm lòng. Việc đổi sách cũng chẳng cần ai giám sát hay ghi chép hoặc phải đổi ngang giá trị. Người thừa thì tự nguyện mang đến cho, người thiếu thì lặng lẽ mang về. Cả người cho và người nhận đều vui vẻ.

Niềm yêu sách và ý thức cộng đồng của mọi người đã giúp tủ sách ngày một đầy thêm, lượng sách mang đến có lúc nhiều hơn sách được lấy đi, ý thức tự nguyện của mọi người cao hơn cả mong đợi. Sách trong tủ có khi lên đến vài trăm cuốn, từ sách giáo khoa, tham khảo đến sách hướng nghiệp, tư duy, nhiều cuốn rất hay và bổ ích. Giờ, mọi người đã biết đến tủ sách nhiều hơn, một số người còn chủ động liên lạc với chị để ủng hộ sách.

Trong tủ sách ở đây, nhiều nhất có lẽ là những bộ sách giáo khoa cũ. Chị Yến cho hay, cuối mỗi năm học, sách cũ được mọi người đến quyên góp, ủng hộ rất nhiều, đến gần đầu năm học lại vơi đi đáng kể. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị lại ngồi kiểm kê, bao bọc lại cho gọn gàng, những bộ sách giáo khoa cũ tại đây đã thiết thực giúp ích cho những học trò khó khăn.

Một số bạn trẻ tham gia trao đổi sách thì thấy thích thú với việc làm ý nghĩa này, nhất là khi sách mình có chủ nhân mới. Em Võ Thành Nhân, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du chia  sẻ, em thấy vui vì sách mình để trên kệ, vài hôm sau đã có người cần và lấy đi.

Việc ra đời của tủ sách như một cách chia sẻ những điều thú vị với mọi người khi bắt gặp một quyển sách hay và bổ ích. Tủ sách đã trở thành điểm đến yêu thích cho những người yêu sách, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, tạo ra  sự gắn kết cộng đồng. Quan trọng hơn, như một thông điệp chia sẻ với mọi người về những điều bổ ích và khơi dậy tấm lòng thiện nguyện thông qua những trang sách…

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.