Multimedia Đọc Báo in

Thu kinh phí công đoàn: Còn nhiều khó khăn

09:05, 22/03/2017

Luật và các nghị định của Chính phủ đã quy định bắt buộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác thu kinh phí công đoàn, nhất là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Thu đạt thấp do đâu?

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, năm 2016, toàn tỉnh thu được 96,854 tỷ đồng kinh phí công đoàn (đạt 90,42% dự toán Tổng Liên đoàn giao). Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là các đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở, việc thu 2% kinh phí công đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2014 đến 2016, thu đoàn phí công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ đạt khoảng 15%/năm trong tổng số thu.

Chế biến mủ cao su tại Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk .
Chế biến mủ cao su tại Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk.

Theo ông Lê Phước Dũng, Chủ tịch LĐLĐ huyện Krông Năng, hiện trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu các doanh nghiệp quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình, sản xuất, kinh doanh không ổn định; thậm chí có doanh nghiệp chỉ có tên, còn địa điểm và hoạt động sản xuất, kinh doanh không rõ ràng khiến công đoàn gặp khó khăn trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, thu kinh phí công đoàn. Mặt khác, nhiều chủ doanh nghiệp chưa xây dựng thang bảng lương, không ký kết hợp đồng lao động, trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng gây khó khăn trong việc xác định quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính thu kinh phí công đoàn. Đây cũng là khó khăn chung của LĐLĐ các địa phương.

Ngoài những khó khăn trên, nhận thức hạn chế và thái độ thiếu hợp tác, cố ý lẩn tránh trách nhiệm của không ít chủ doanh nghiệp cũng là cản trở lớn cho công tác thu kinh phí, đoàn phí công đoàn. Ông Nguyễn Hưng, Phó Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh cho biết, dù nhiều đợt kiểm tra, công đoàn cấp trên hẹn xuống làm việc nhưng chủ doanh nghiệp đều lấy lý do để tránh mặt. Có những doanh nghiệp cán bộ công đoàn phải hẹn đi, hẹn lại hoặc trực tiếp xuống nhiều lần vẫn không thể làm việc với chủ sử dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp vin vào cớ hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn cố tình chây ì, nợ đọng kinh phí công đoàn. Công tác nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp chưa tốt, có nơi còn bỏ sót đối tượng quản lý thu. Thêm vào đó, mặc dù đã có chế tài xử phạt các đơn vị không đóng kinh phí công đoàn theo Nghị định số 88/2015/NĐ-CP, ngày 7-10-2015 của Chính phủ đến 75 triệu đồng nhưng thiếu sự phối hợp trong công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm.

Sẽ khởi kiện các đơn vị cố tình vi phạm

Năm 2017, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh giao dự toán tổng thu kinh phí và đoàn phí công đoàn là 108,508 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so với dự toán giao năm 2016.

LĐLĐ huyện Krông Năng bàn giao nhà Mái ấm công đoàn cho chị Cao Thị Thu Hương – đoàn viên công đoàn xã Ea Púk.
LĐLĐ huyện Krông Năng bàn giao nhà Mái ấm công đoàn cho chị Cao Thị Thu Hương – đoàn viên công đoàn xã Ea Púk.

Để thực hiện tốt công tác thu kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP, ngày 21-11-2013 của Chính phủ, mới đây, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã quán triệt, triển khai công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới nhằm tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống công đoàn. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác phân cấp thu, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho kế toán và cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở; phân công cho từng cán bộ chuyên trách công đoàn theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở và thu kinh phí công đoàn. Các cấp công đoàn phối hợp với các ngành: Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Thuế, Kho bạc, Bảo hiểm xã hội, Lao động – Thương binh và Xã hội để có thông tin, số liệu chính xác về đơn vị, quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn làm cơ sở đôn đốc, đối chiếu, thông báo thu kinh phí công đoàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, kết hợp đôn đốc thu nợ, trích nộp kinh phí công đoàn; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục, vận động người sử dụng lao động chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc trích nộp kinh phí công đoàn…

Ngoài các giải pháp trên, ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: “Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với ngành chức năng kiên quyết xử lý hoặc khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm đóng kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng LĐLĐ Việt Nam, trước hết tập trung vào doanh nghiệp có số lao động nhiều, kinh phí lớn. LĐLĐ tỉnh đang tổng hợp danh sách các đơn vị nợ kinh phí công đoàn gửi cơ quan Thuế, UBND tỉnh chỉ đạo thanh kiểm tra và có thể công khai danh sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Theo quy định của Luật Công đoàn, tài chính công đoàn (bao gồm kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn và các nguồn thu khác) sẽ được dùng để triển khai các phong trào, hoạt động công đoàn, trả lương, phụ cấp cho cán bộ công đoàn chuyên trách và bán chuyên trách… Việc thất thu hoặc thu không đủ kinh phí công đoàn sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn tài chính phục vụ các hoạt động phong trào, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc