Giám định Bảo hiểm Y tế điện tử bảo đảm công khai, minh bạch
Thời gian qua, hệ thống giám định bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử đã vận hành tại các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh. Bên cạnh những ưu việt như thuận tiện, công khai, minh bạch về quản lý quỹ BHYT, công tác giám định BHYT điện tử hiện còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ KIM LIÊN, Trưởng phòng Giám định BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh xoay quanh nội dung này.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên (đứng) giải thích các quy định về BHYT tại một doanh nghiệp. |
• Thưa bà, cùng với các tỉnh thành trên cả nước, năm 2016, Đắk Lắk đã triển khai giám định BHYT điện tử thông qua việc kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa ngành Y tế, BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Bà có thể cho biết đôi nét về phương pháp này và những ưu việt của nó so với phương pháp giám định trước đây?
Giám định BHYT điện tử được xem là giải pháp tối ưu trong công tác quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh. Theo giải pháp này, dữ liệu phát sinh tại các cơ sở khám chữa bệnh được chuyển ngay lên cổng giao dịch khi bệnh nhân ra viện giúp phát hiện và ngăn chặn được tình trạng khám nhiều lần tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh do quy định thông tuyến. Đồng thời, thông tin về thẻ BHYT và lịch sử khám chữa bệnh được tra cứu trực tiếp trên hệ thống nên giảm thiểu các sai sót về thông tin hành chính, hạn chế từ chối thanh toán; kết quả giám định được trả ngược về cổng giao dịch ngay giúp cơ sở khám chữa bệnh biết được sai sót để có hướng khắc phục trong thời gian sớm nhất…
Đối với cơ quan BHXH, việc thực hiện giám định BHYT điện tử giúp tiết kiệm được thời gian của giám định viên; không mất thời gian để nhận email và định dạng dữ liệu (vì dữ liệu được tự động chuyển lên hệ thống theo định dạng quy định); các biểu mẫu báo cáo, thống kê, phân tích chi phí được hệ thống hỗ trợ tương đối đầy đủ nên tiết kiệm được thời gian thực hiện báo cáo và giúp lãnh đạo ngành trong công tác quản lý. Đặc biệt, hệ thống giám định BHYT điện tử hoàn toàn tự động, hoạt động 24/24 giờ, đảm bảo công khai, minh bạch và bảo mật thông tin.
• Đến thời điểm này, việc giám định BHYT điện tử trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Ngay từ tháng 1-2017, BHXH tỉnh bắt đầu giám định trên hệ thống. Để thực hiện được giám định điện tử, cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện bệnh án điện tử, nghĩa là cơ sở khám chữa bệnh phải chuyển lên hệ thống 5 bảng dữ liệu XML gồm: XML1 (thông tin tổng hợp), XML2 (thông tin chi tiết thuốc và vật tư y tế), XML3 (thông tin dịch vụ kỹ thuật), XML4 (thông tin kết quả cận lâm sàng), XML5 (thông tin diễn biến hồ sơ bệnh án). Tuy nhiên, hiện nay, đa số các cơ sở khám chữa bệnh mới chỉ hoàn thành được 3 bảng XML 1, 2, 3. Đối với XML4, một số cơ sở chưa có; còn XML5 nhiều nơi thông tin nhập sơ sài, mang tính đối phó và chưa đầy đủ so với hồ sơ bệnh án. Chính vì bảng XML4 và XML5 chưa hoàn thiện nên công tác giám định điện tử vẫn phải kết hợp giám định trên cả hồ sơ bệnh án giấy và giám định trên hệ thống.
• Với những khó khăn nói trên, theo bà, cần có các biện pháp tháo gỡ như thế nào nhằm giúp việc triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh đạt hiệu quả đề ra?
Để việc giám định BHYT điện tử được triển khai đồng bộ và hiệu quả, BHXH tỉnh đã đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tích cực triển khai Kế hoạch 266/KH-BYT ngày 10-3-2017 của Bộ Y tế về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT năm 2017. Đối với những cơ sở có phần mềm không đáp ứng được, chúng tôi đề nghị chuyển sang thuê dịch vụ công nghệ thông tin để thực hiện. Ngoài ra, lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải thật sự vào cuộc để tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động ở đơn vị mình, không phó mặc hay xem đây là công việc của bộ phận tin học bệnh viện, thì việc triển khai mới đạt được hiệu quả.
• Được biết, mới đây Bộ Y tế đã đặt ra kế hoạch đến 30-6 toàn bộ bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh phải kết nối hoàn thiện, đồng bộ dữ liệu giám định BHYT trong phần mềm ứng dụng quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; còn các bệnh viện tuyến huyện phải hoàn thiện trước 31-8. Vậy, phía tỉnh ta đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa bà?
Về phía tỉnh, Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin đã được thành lập theo Quyết định số 537/QĐ-SYT ngày 23-5-2016 do Giám đốc Sở Y tế là Trưởng ban và hoạt động liên tục từ đó đến nay. Dưới sự chỉ đạo, giám sát của Ban chỉ đạo, toàn bộ 220 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc liên thông cơ sở dữ liệu từ 30-6-2016. Ngoài các bảng XML 1, 2, 3 đã hoàn thiện, hiện Ban chỉ đạo tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị hoàn thiện 2 bảng XML4, 5 theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế.
• Trân trọng cảm ơn bà!
Kim Oanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc