Multimedia Đọc Báo in

Gương sáng ở buôn Phơng

08:55, 28/04/2017

Ở buôn Phơng, xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) không ai là không biết gia đình Y War K’sơr (SN 1966, tên thường gọi là Ama Sla).

Nhắc đến Ama Sla, người già trong buôn thì gật đầu tấm tắc khen “thằng này hiền lành, chịu khó làm ăn”; lũ trẻ thì kháo nhau “nhìn vào nhà Ama Sla mà học, nhà Ama Sala nhiều chữ lắm”; còn với những người nghèo thì lại quý trọng, xem gia đình ông là ân nhân bởi cái cách mà vợ chồng Ama Sla giúp đỡ đồng bào trong buôn…

Năm nay Ama Sala mới ngoài 50, nhưng trông ông già hơn so với tuổi. Thật thà như đất, Ama Sla thống kê vắn tắt tài sản của gia đình mình: 5 ha cà phê, 1,8 ha cao su và trên 300 trụ tiêu; thu nhập mỗi năm khoảng vài trăm triệu đồng… Chừng ấy đất rẫy có thể so với nhiều người khác thì không ăn thua gì, nhưng với Amí Sla thì nó là tài sản vô giá… Amí Sla giải thích rằng, trên từng tấc đất ấy, ở mỗi gốc cây cành lá đó đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt với bao tâm sức của hai vợ chồng.

Ama, Amí Sla (đứng bên phải) giới thiệu mô hình trồng tiêu của gia đình với cán bộ xã Cư Dliê Mnông.
Ama, Amí Sla (đứng bên phải) giới thiệu mô hình trồng tiêu của gia đình với cán bộ xã Cư Dliê Mnông.

Theo lời kể của Amí Sla, hai ông bà lấy nhau cách đây đã gần 30 năm. Thời ấy, gia đình bà cũng nghèo khó như mọi gia đình khác ở cái buôn Phơng xa xôi hẻo lánh này. Theo phong tục, hai vợ chồng được bố mẹ chia cho mấy sào rẫy cà phê. Không giống như một số người bỏ bê công việc nương rẫy, Ama Sla cần mẫn chăm bón vườn cà phê, cặm cụi khai hoang từng tấc đất. Tích cóp được đồng nào, ông lại dồn hết vào việc mua đất, trồng cà phê… Ama Sla lập luận với vợ: “Không có ai tự dưng giàu lên, cũng không ai siêng năng mà đói cả. Hơn nữa, mình chịu khó làm ăn thì cũng là một cách dạy cho các con biết quý trọng sức lao động…”.

Không chỉ cần mẫn lao động, tích lũy đất đai, Ama Sla còn là một trong số rất ít người trong buôn biết “nhìn xa trông rộng” trong làm kinh tế. Hơn 10 năm trước, khi nhiều người dân trong vùng phá bỏ vườn cà phê để trồng cao su thì ông lại “kết” cây tiêu. Nghĩ là làm, toàn bộ diện tích cà phê già cỗi trong vườn nhà đã được ông thay thế bằng hồ tiêu. Và rồi, giá tiêu ngày một tăng cao, sau hơn 3 năm trồng thử nghiệm, thành quả mà ông thu gặt được là hàng trăm triệu đồng mỗi năm trên 300 trụ tiêu trong vườn.

Nhiều người dân trong vùng không chỉ khen gia đình Ama Sla làm kinh tế giỏi mà họ còn xem vợ chồng ông là “ân nhân”. Amí Sla không dám nhận là giàu, nhưng bà tự tin rằng gia đình mình “có điều kiện” để giúp đỡ những người nghèo khó khác. Bà cũng chẳng nhớ việc giúp đỡ đồng bào nghèo khó trong buôn bắt đầu từ duyên cớ nào. Bà chỉ biết, hễ có ai thiếu ăn thì tìm đến nhà bà mượn gạo, ai thiếu tiền thì đến hỏi bà vay không tính lãi… Mà đã nghèo, thiếu ăn thì dễ có mấy ai xoay xở trả được nợ! Amí Sla lại bàn với chồng tạo điều kiện cho họ làm công để… trừ dần. Thế là mỗi khi đến mùa màng, vợ chồng ông chẳng cần phải tìm kiếm nhân công mà ngược lại, rất nhiều người “ưu tiên” làm việc cho Amí Sla trước.       

Trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng Ama, Amí Sla vẫn rất khiêm tốn cho rằng, điều đáng tự hào nhất không phải là khối tài sản có thể đong đếm được bằng tiền triệu, tiền tỷ mà hơn hết là việc các con được ăn học nên người. Nhắc đến các con, mắt Amí Sla sáng lên, lấp lánh niềm vui. “Mừng nhất là các con đứa nào cũng ngoan, chăm học. Con gái đầu H’Duyên Mlô đã tốt nghiệp đại học, thằng em kế Y Sa Mol Mlô đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, con thứ ba H’Doan Mlô đang học Đại học Quy Nhơn, còn thằng út Y Khoan Mlô thì đang học cấp 3…” - giọng bà sôi nổi.

Còn Chủ tịch UBND xã Y Minh Niê thì tiếp lời đầy tự hào và nể trọng: “Kể về tài sản, nhà Amí Sla cũng chỉ mới thuộc tầm… kha khá ở xã Cư Dliê Mnông này, nhưng nói về “chữ” thì những gia đình người dân tộc thiểu số hiếu học như nhà này không đủ để đếm trên đầu ngón tay!”...      

Hoàng Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.