Huy động xã hội hóa nguồn lực nhằm chăm lo tốt hơn cho người mù
Thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống hội viên. Tuy nhiên, hoạt động của Hội hiện gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông LÊ HỮU NIÊN, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh xung quanh vấn đề này.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lê Hữu Niên |
* Thực trạng đời sống hiện nay của người mù trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?
Theo kết quả khảo sát năm 2008, toàn tỉnh có khoảng 1.800 người mù, trong đó có trên 41% người trong độ tuổi lao động; nguyên nhân là do hậu quả của chiến tranh, tai nạn, bệnh tật. Đa số người mù sống rải rác ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phần lớn không biết chữ, chưa có việc làm, sống phụ thuộc vào gia đình, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần còn lạc hậu. Người mù có nguyện vọng là được học tập, lao động, có việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng nên rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.
Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Đức (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) do Hội Người mù tỉnh vận động Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đắk Lắk tài trợ xây dựng |
* Được biết việc xây dựng, phát triển tổ chức Hội Người mù các cấp đang gặp nhiều khó khăn. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của người mù trong tỉnh, ngày 3-4-2002, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 826/QĐ-UBND về việc thành lập Hội Người mù tỉnh với ban chấp hành gồm 7 người và 99 hội viên.
Mặc dù thời gian qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành nhiều chỉ thị về việc giúp đỡ Hội người mù nhưng công tác xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên gặp nhiều khó khăn. Sau 15 năm hình thành, toàn tỉnh mới chỉ thành lập được 5 cơ sở Hội gồm: Tỉnh Hội, TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Búk và Krông Năng. Tuy nhiên, vào tháng 2-2017, Huyện hội Krông Năng được sáp nhập vào Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi huyện nên hiện tại, Hội Người mù tỉnh chỉ còn 4 cơ sở Hội với 456 hội viên.
Do chưa thành lập được tổ chức hội nên ở nhiều địa phương, người mù chưa được quan tâm, giúp đỡ học chữ, học nghề, vay vốn phát triển sản xuất, buôn bán nhỏ, đời sống gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đa số người mù đều mặc cảm, tự ti, nếu không được sinh hoạt trong môi trường phù hợp sẽ không phát huy hết khả năng và sự tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đắk Lắk và Hội Người mù tỉnh tặng quà cho người mù |
* Để chăm lo tốt hơn cho người mù, ông có nguyện vọng, đề xuất gì?
Thời gian qua, các cơ sở Hội đã chú trọng vận động nguồn lực để thăm, tặng quà, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phối hợp tổ chức dạy xóa mù chữ cho người mù, giải ngân nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho hội viên trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, dạy nghề, truyền nghề làm chổi, tăm nhang, xoa bóp… Do nguồn kinh phí hạn hẹp, đơn cử như Tỉnh Hội mỗi năm cũng chỉ được cấp kinh phí hoạt động từ 40-70 triệu đồng nên không có nguồn lực để quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống, tạo việc làm cho hội viên mà chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của các sở, ngành, sự đóng góp, ủng hộ của các mạnh thường quân, đơn vị, doanh nghiệp.
Vì vậy, tôi rất mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thành lập Hội Người mù cấp huyện; tạo điều kiện giúp đỡ Hội Người mù các cấp và người khiếm thị nhằm xã hội hóa các hoạt động của hội. Hiện nay Hội Người mù tỉnh đang hoàn chỉnh Đề án xây dựng cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người mù gồm trụ sở làm việc, 10 phòng hành nghề, truyền nghề xoa bóp, dạy chữ. Nếu được UBND tỉnh phê duyệt, cấp mặt bằng, Tỉnh Hội sẽ vận động nguồn lực xã hội hóa kinh phí đầu tư xây dựng. Hy vọng ước mơ có được “ngôi nhà chung” của người mù trong tỉnh sẽ sớm thành hiện thực.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc