Multimedia Đọc Báo in

Vượt qua lỗi lầm

20:15, 08/04/2017

Trước đây, do một phút bốc đồng, thiếu kiềm chế, anh Y Ta Môn Niê (27 tuổi, ở buôn Brah, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đã phạm tội gây thương tích cho người khác, phải ngồi tù 6 năm tại trại giam Đắk Tân.

Những ngày tháng trong tù, nhận ra việc làm sai trái của mình, anh rất ân hận và quyết tâm cải tạo thật tốt; đến năm 2013 anh được đặc xá tha tù trước thời hạn 2 năm.

Trở về với cộng đồng, trái với tâm lý mặc cảm, chán nản và hoang mang của nhiều người cùng hoàn cảnh, Y Ta Môn quyết tâm vượt qua lỗi lầm, làm lại cuộc đời. Thấy nhu cầu làm nhôm kính ở địa phương khá lớn trong khi số cơ sở làm dịch vụ này không nhiều, anh đã xin vào phụ việc và học nghề tại một tiệm nhôm kính ở TP. Buôn Ma Thuột. Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên chỉ sau 6 tháng anh đã có thể tự mình đảm nhận được những phần việc của người thợ cơ khí. Năm 2015, được Đoàn xã Ea Tul tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ Khởi nghiệp của Huyện Đoàn, Y Ta Môn đầu tư mở một tiệm nhôm kính ở buôn Tria.

Anh Y  Ta Môn trong tiệm nhôm kính của gia đình.
Anh Y Ta Môn trong tiệm nhôm kính của gia đình.

 
Y Ta Môn là một thanh niên có nghị lực, biết vượt qua lỗi lầm để làm lại cuộc đời. Nhờ biết tính toán làm ăn nên cơ sở kinh doanh của gia đình Y Ta Môn ngày càng phát triển. Y Ta Môn hiện là hộ có kinh tế ổn định, có thu nhập khá hơn so với nhiều thanh niên cùng lứa tuổi... Anh cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những thanh niên khác ở địa phương lập nghiệp” 
 
Anh Đặng Gia Liêm, Phó Bí thư Đoàn xã Ea Tul. 

Những ngày đầu Y Ta Môn mở tiệm, do mang tiếng là bị đi tù về nên nhiều người dân địa phương tỏ ra ái ngại, khách hàng tìm đến tiệm không nhiều. Nhưng nhờ sự chân thành, nhiệt tình và tạo ra các sản phẩm chất lượng, anh đã sớm lấy lại niềm tin từ mọi người. Xoay xở thêm vốn, năm 2016 Y Ta Môn đã chuyển tiệm ra khu vực trung tâm xã, từ đó, việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn. Với tay nghề khá, chịu khó và giá cả phải chăng nên tiệm nhôm kính của anh Y Ta Môn đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân khi có nhu cầu làm cửa, tủ nhôm kính và sắt, nhiều khi việc làm không xuể anh phải gọi thêm thợ đến phụ... Đến nay, nhờ công việc này, anh đã có cuộc sống ổn định với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho 1 lao động ở địa phương…

Bên cạnh đó, với nghề xây dựng học được trong trại giam, Y Ta Môn đã mạnh dạn tập hợp các thanh niên trong buôn thành lập đội xây dựng gồm 7 thành viên. Không chỉ xây, đội của anh còn đảm nhận luôn thợ sơn và làm trần thạch cao. Trong công việc, chữ tín được anh đặt lên hàng đầu nên các công trình do đội thi công đều bảo đảm về chất lượng, giá cả lại phải chăng nên ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến. Hiện nay, mỗi năm đội đảm nhận thi công 3 - 4 công trình nhà ở lớn, nhỏ. Từ làm thợ nhôm kính và nhận thầu xây dựng, riêng năm 2016 anh Y Ta Môn có thu nhập hơn 80 triệu đồng, sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ ở khu vực nông thôn, nhất là đối với thanh niên hoàn lương như anh…  

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.